Người dân chủ động dự trữ đồ ăn trước khi bão đến

Nhóm P.V 19:42, 06/09/2024
Trước thông tin về diễn biến của siêu bão Yagi (cơn bão số 3), ngày 6-9, nhiều người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mua dự phòng thức ăn từ 2-3 ngày để tránh việc phải ra ngoài trong thời tiết bất lợi.
Nhiều người đến mua hàng tại Siêu thị Lanchi Mart (TP. Thái Nguyên) chiều 6-9.
Nhiều người đến mua hàng tại Siêu thị Lanchi Mart (TP. Thái Nguyên) chiều 6-9.

Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ 11, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Nghe dự báo thời tiết, tôi thấy bão sẽ đổ bộ vào nước ta vào tối nay nên từ trưa đã tranh thủ đi chợ mua rau, thịt, quả đủ ăn trong 2-3 ngày. Nhiều người cũng có tâm lý như tôi nên mua nhiều hơn ngày thường. Nhìn chung giá cả không thay đổi và mọi người không mua quá nhiều như đợt dịch COVID-19.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, tổ 5, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Tôi mua rau quả và thức ăn đủ dùng trong 2 ngày vì lo ngại mưa to, đường ngập khiến đi lại khó khăn. Mai, ngày kia lại là ngày nghỉ, tôi không có việc phải ra ngoài nên mua trước cũng phù hợp.

Tại các siêu thị như Minh Cầu, Go, Lan Chi… và cửa hàng trên địa bàn TP. Thái Nguyên, một số địa phương, số lượng người đến mua hàng trong ngày hôm nay tăng mạnh. Riêng Siêu thị Minh Cầu trong ngày 6-9 đã bán ra hàng tấn thịt, là ngày bán được nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Chiều 6-9, rất đông người đến mua hàng tại Siêu thị Minh Cầu.
Chiều 6-9, rất đông người đến mua hàng tại Siêu thị Minh Cầu.

Chị Nguyễn Huyền Trang, chủ cửa hàng Phương Hùng 2, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên), cho biết: Từ sáng tới giờ, cửa hàng tôi nườm nượp khách ra vào. Các mặt hàng bán chạy gồm: Mỳ tôm, đồ hộp, sữa, dầu ăn, nước mắm… Số lượng khách mua đông nhưng giá trị đơn hàng không quá nhiều như hồi chống dịch COVID-19. Qua các đợt dịch trước đây, mọi người cũng thấy giá các mặt hàng sau đó vẫn ổn định và hàng hóa dồi dào. Phần nhiều có tâm lý lo ngại mưa gió không ra đường nên mua dự phòng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, càng về chiều tối, khách đến các cửa hàng, siêu thị và chợ dân sinh càng đông, do thời điểm này, trời đã bắt đầu xuất hiện những trận mưa ngắn và nhiều người đến giờ đi làm về. Một số mặt hàng bị “cháy” như đèn pin, đèn tích điện.

Không chỉ mua dự trữ thức ăn và một số đồ dùng cần thiết, nhiều người cũng chằng chống lại nhà cửa, sửa lại đường nước để không bị nước ngập, tràn vào nhà như trận mưa gần đây.

Chị Trịnh Thị Phương, xã Tân Đức (Phú Bình), cho biết: Sau khi nắm được thông tin siêu bão sắp đổ bộ vào nước ta, trong đó Thái Nguyên sẽ bị ảnh hưởng nên từ chiều qua, chồng tôi đã mua ống nhựa loại to và đục thêm lỗ thoát để làm lại đường nước trên tầng thượng. Do nhà mới xây, lại chưa gặp phải trận mưa to như hôm 23-8 vừa qua nên đường nước không kịp tiêu thoát, khiến nước chảy tràn xuống tầng 1 và 2. Nhiều đồ đạc trong nhà bị ướt và hỏng.

Cũng như gia đình chị Phương, nhiều hộ trong tỉnh cũng đã có các giải pháp gia cố, chằng chống lại đường nước, chuồng trại, mái tôn, nhà cửa… để đối phó với siêu bão.

Có thể nói, việc người dân chủ động trước những thông tin bất lợi về thời tiết là điều cần thiết. Tuy nhiên, mỗi người không cần thiết phải mua quá nhiều, tránh việc để lâu sẽ hư hỏng, gây lãng phí vì nguồn cung thực phẩm và đồ dùng thiết yếu khác trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo.

Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp tăng cường quản lý, tránh trường hợp sức mua gia tăng dẫn tới hiện tượng trục lợi, tăng giá bất hợp lý, bán hàng không đảm bảo chất lượng.

Điều quan trọng với mỗi người, mỗi gia đình lúc này là kiểm tra lại nhà cửa, mái tôn cẩn thận; tắt các thiết bị điện khi bắt đầu mưa bão để tránh thiệt hại không đáng có về người và tài sản.