Nhằm xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, huyện Phú Lương đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số vào công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Cán bộ tại Bộ phận Một cửa của huyện Phú Lương hướng dẫn người dân lấy số tự động và tra cứu thông tin về thủ tục hành chính. |
Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các hoạt động. Từ đó, người dân và doanh nghiệp (DN) được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa việc đại diện DN và người dân phải trực tiếp đến các cơ quan chính quyền khi thực hiện các TTHC.
Để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào công tác cải cách TTHC, UBND huyện Phú Lương đã tham mưu với Thường trực Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình chuyển đổi số của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hàng năm, UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số; kế hoạch tuyên truyền về cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực để bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số tại các hội nghị từ cấp huyện đến cơ sở để người dân nắm được và thực hiện…
Chị Nguyễn Ngọc Hoa, cán bộ Văn phòng HĐND, UBND huyện Phú Lương, phụ trách công tác kiểm soát TTHC tại Bộ phận Một cửa của huyện, chia sẻ: Hiện nay, tại Bộ phận Một cửa của UBND huyện đang cập nhật và công khai 100% TTHC trên trang thông tin điện tử của huyện (trong đó có 277 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, 16 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương tổ chức theo ngành dọc, được tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa cấp huyện), trên hệ thống tra cứu điện tử và công khai bằng bản giấy, mã QR theo từng lĩnh vực để người dân dễ dàng tra cứu. Với đầy đủ các phương tiện, máy móc hiện đại được trang bị (như máy tính, máy in, photocopy, scan; màn hình cảm ứng tra cứu TTHC; hệ thống lấy số xếp hàng tự động…), Bộ phận Một cửa của huyện đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giải quyết các TTHC.
Là người dân đến giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai tại Bộ phận Một cửa của UBND huyện Phú Lương, bà Hoàng Thị Hiền, ở tổ dân phố Giang Tân, thị trấn Giang Tiên, cho biết: Trước đây, khi đến làm các TTHC, tôi phải xếp hàng, chờ đợi khá lâu mới đến lượt. Nhưng nay thì khác, sau khi lấy số tự động, tôi chỉ cần đợi một lát thì sẽ có cán bộ gọi qua hệ thống loa mời đến ô làm việc thuộc lĩnh vực cần giải quyết. Tiếp đó, cán bộ hướng dẫn tôi cách thao tác, nhập thông tin trên điện thoại di động, nộp hồ sơ và có thể nhận kết quả giải quyết TTHC tại nhà. Điều này giúp tôi tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với trước, vì không cần phải đến trực tiếp Bộ phận Một cửa để nhận kết quả...
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương), hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại thông minh. Ảnh: Thu Hà |
Để việc giải quyết các TTHC được hiệu quả, huyện Phú Lương đã phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin ở các xã, thị trấn. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã thuê đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, thực hiện các dự án nâng cấp, duy trì và vận hành hệ thống giao ban điện tử trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và từ cấp huyện đến cấp xã; xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan đảng, nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thị trấn.
Cùng với đó, huyện cũng đồng bộ dữ liệu TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết từ Cổng dịch vụ công quốc gia về chuyên mục TTHC trên trang thông tin điện tử của địa phương để thực hiện công khai theo quy định, đảm bảo đồng bộ dữ liệu đã được tỉnh công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu; hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp người dân thực hiện các TTHC trực tuyến; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc hướng dẫn, giúp đỡ, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho DN, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh theo quy định; cung cấp đầy đủ các phần mềm để thực hiện giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã…
Nhờ ứng dụng đồng bộ chuyển đổi số vào công tác giải quyết TTHC, từ từ đầu năm nay đến ngày 20-8, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên địa bàn huyện Phú Lương là 1.813/1.982 hồ sơ (đạt trên 91%); tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình cấp huyện đạt 573/574 hồ sơ (đạt gần 99%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 96,8%; 100% cơ quan, đơn vị thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, có kết nối liên thông với nhau và liên thông với hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại Văn phòng UBND tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, địa phương chưa nhận được phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện…
Thời gian tới, huyện Phú Lương tiếp tục nâng cao chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công; chủ động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích hiệu quả và đạt chỉ tiêu được giao; tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các nền tảng số do cơ quan nhà nước cung cấp; hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin dữ liệu, các ứng dụng dùng chung, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng phát triển chính quyền số…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin