Thời gian qua, trên địa bàn huyện Định Hóa có mưa rất to nên xuất hiện nhiều điểm sạt trượt đất, đá từ ta luy dương xuống đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, việc vận chuyển đất, đá bị sạt lở đi nơi khác của chính quyền địa phương và người dân đang gặp nhiều khó khăn.
Đất, đá bị sạt trượt xuống tuyến đường từ trung tâm xã Lam Vỹ đi xóm Bình Sơn được bà con thu lại thành đống nhưng chưa thể vận chuyển đi nơi khác. |
Với đặc thù là huyện miền núi, hầu hết các tuyến đường giao thông ở Định Hóa đều nằm ven sườn đồi, núi. Sau trận mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8, trên địa bàn huyện xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, với khối lượng đất, đá sạt xuống đường hàng chục nghìn mét khối.
Ngoài những điểm sạt lở nghiêm trọng tại tuyến đường 3C đoạn qua đèo So, xã Quy Kỳ, hầu hết các tuyến đường giao thông ở các xã đều bị đất trên ta luy sạt trượt, vùi lấp mặt đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến, cho biết: Hiện trên địa bàn xã có gần 20 điểm sạt lở đất từ ta luy dương xuống đường, có những điểm đất đá vùi lấp toàn bộ mặt đường nên bà con không đi qua được. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương và người dân trong các xóm đã thuê máy múc gạt, thu thành đống tại rìa đường để đi lại. Ở những điểm sạt lở có khối lượng đất lớn, việc gạt, gom đất thành đống rất vất vả. Hiện nay, tất cả các điểm sạt lở đã được xử lý tạm thời để bà con đi lại, nhưng đất đá vẫn chưa thể vận chuyển đi do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm điểm đổ thải…
Còn bà Đào Thị Bẩy, Bí Thư Chi bộ xóm Bình Sơn, xã Lam Vỹ, thông tin: Tuyến đường từ Trung tâm xã vào xóm khoảng 10km nhưng có tới 7 điểm sạt lở. Trong đó, điểm sạt lở trên nhánh đường sang xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), bị đất tràn lấp hết mặt đường, hiện vẫn chưa thể gạt nên chỉ xe máy mới đi qua được. Còn nhánh đường vào khu Cà Đơ (trước là xóm Cà Đơ, mới sáp nhập vào xóm Bình Sơn) có tới 3 điểm sạt lở nghiêm trọng. Sau thời điểm mưa to, người dân trong xóm đã dùng máy múc, gạt đất sang bên rìa đường nên có thể đi tạm. Tuy nhiên, tất cả đất đá sạt lở xuống đường đều chưa vận chuyển đi nên cứ mưa to là lại tràn ra đường. Bà con trong xóm còn nhiều khó khăn nên không thể tự thuê máy múc và ô tô tải vận chuyển số đất đá đã sạt trượt xuống đường đi nơi khác.
Chị Nguyễn Thị Thành, ở xóm Khuân Nhà, xã Quy Kỳ, cho biết: Tại Quốc lộ 3C, đoạn từ ngã 3 Quy Kỳ đi đèo So vẫn còn 2 điểm sạt lở, với khối lượng đất hàng chục mét khối, mới chỉ được thu thành đống ven đường, vùi lấp hết rãnh thoát nước nên cứ mưa là đất đá lại tràn hết ra mặt đường.
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, cho biết: Huyện đã thành lập 3 tổ công tác đi khảo sát, đánh giá thiệt hại về công trình, hạ tầng bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Định Hóa, địa phương đã báo cáo và xin ý UBND tỉnh về việc xử lý đất, đá sạt trượt xuống đường giao thông. UBND tỉnh khẳng định, đất đá sạt lở không phải khoáng sản mà chỉ là đất thải. Trên cơ sở đó, UBND huyện Định Hóa đã có chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã: Đối với các công trình cấp huyện quản lý, huyện sẽ bố trí các bãi tập kết và sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của huyện. Đối với công trình do cấp xã quản lý, chính quyền địa phương thực hiện phương án 4 tại chỗ. Bố trí bãi tập kết đảm bảo theo quy định để đổ đất thải và sử dụng nguồn kinh phí dự phòng tại địa phương. Nếu trường hợp, lượng đất đá thải quá lớn, không đủ kinh phí thì báo cáo UBND huyện để có phương án xử lý. Khi thời tiết nắng lên, chính quyền các địa phương sẽ triển khai xử lý ngay đất đá sạt trượt xuống đường để đảm bảo việc đi lại của bà con.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin