Cơn bão số 3 (bão YAGI) được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Trong 8 năm qua, Việt Nam chưa ghi nhận cơn bão mạnh nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ kể từ sau bão số 1 (Mirinae) năm 2016. Bởi vậy, công tác ứng phó với bão đang được các tỉnh, thành, trong đó có Thái Nguyên, đặc biệt quan tâm.
Lực lượng chức năng TP. Sông Công kiểm tra tình hình mưa lũ và triển khai công tác khắc phục hậu quả tại cơ sở, cuối tháng 8-2024. Ảnh: T.L |
Phòng ngừa tốt để tránh tổn thất
Chiều 5-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ để chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3. Tại điểm cầu Thái Nguyên có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; đại diện các cấp, ngành liên quan.
Theo thông tin mới nhất, bão số 3 đang ở phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Dự báo, bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, di chuyển vào vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14. Hoàn lưu bão số 3 gây mưa rất lớn diên rộng, ngay cả khi tâm bão không đổ bộ vào Việt Nam.
Bão được dự báo sẽ gây sóng mạnh, gió lớn trên biển từ chiều ngày 6-9, từ ngày 7-9, bão ảnh hưởng đến đất liền. Dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng. Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An…
Nhằm ứng phó với bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ sau bão. Báo cáo tại các họp cho thấy, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tình trạng sạt lở đất do mưa lớn xảy ra tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cuối tháng 8-2024 gây ách tắc giao thông. Ảnh: T.L |
Dù đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vẫn lưu ý: Các cơ quan chuyên môn phải làm tốt công tác dự báo, thông tin đầy đủ tới người dân, đảm bảo tính chính xác, kịp thời. Không chỉ quan tâm đến hoạt động của bão trên biển, khi vào đất liên mà phải quan tâm đến cả tình trạng hoàn lưu sau bão, gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở, nhiều đô thị ngập úng. Đặc biệt là phải dự báo được lượng mưa, nước trên các sông, nhất là ở vùng cao, cơ quan khí tượng thủy văn phải có thông tin cụ thể cho người dân. Đồng thời phân công nhiệm vụ rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cơ sở sát sao; thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm; quyết liệt di dời dân cư từ vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn… Đồng chí khẳng định, làm tốt công tác phòng ngừa mới tránh được tổn thất về tài sản, tính mạng của người dân…
Chủ động “bốn tại chỗ”
Nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, ngày 4-9, UBND tỉnh Thái Nguyên có Công điện số 13 về việc khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3. Trong đó yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 12 và các văn ban đã ban hành trước đó. Đồng thời chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ kiểm tra tình hình mưa lũ tại cơ sở dịp cuối tháng 8 vừa qua. |
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, chủ động bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương; thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ.
Riêng Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, phải khẩn trương chỉ đạo, xây dựng giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo việc tiêu thoát nước tại các khu vực thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn…
Nhằm kịp thời ứng phó với bão lũ, từ 14 giờ ngày 5-9, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã vận hành xả nước hồ Núi Cốc tại tràn xả lũ số 1.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo ngay sau khi cuộc họp của Chính phủ kết thúc, chiều 5-9. |
Ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các cấp, ngành chức năng nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ; công điện và các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ và đưa ra từng kịch bản để ứng phó với bão, nhất là việc rà soát các điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống… trước khi cơn bão vào Thái Nguyên (hiện nay, toàn tỉnh có 1.000 điểm sạt lở, tăng trên 200 điểm so với trước). Chủ động nắm bắt thông tin về ảnh hưởng của cơn bão đối với Thái Nguyên để tham mưu với tỉnh về việc hoãn tổ chức các hội nghị, sự kiện lớn của các địa phương và tỉnh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin