Chỉ mới 3-4 ngày trước, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn chìm trong nước lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Khi nước rút dần, khắp các tuyến đường, cũng như tại nhiều cơ quan, đơn vị, trường học và nhà dân lại ngập ngụa bùn rác… Nhưng đến hôm nay, tại những nơi nước đã cạn, cuộc sống của người dân đã và đang dần trở lại bình thường.
Sau 3 ngày bị ngập lụt, từ sáng 12-9, khi nước rút, hàng trăm gia đình sinh sống dọc hai bờ sông Cầu thuộc địa bàn TP. Thái Nguyên đã trở về nhà để khắc phục hậu quả, ổn định lại cuộc sống. |
Mặc dù bị ngập gần 1m trong những ngày lũ dâng, nhưng đến ngày 11-9, khi nước rút, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã được dọn dẹp, để đến ngày 12-9 trở lại hoạt động bình thường. Theo bác sĩ Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc Bệnh viện: Trước khi bị ngập, Bệnh viện còn hơn 100 bệnh nhân nặng đang được điều trị nội trú, đã được chúng tôi đưa lên tầng 2 để bảo đảm an toàn. Cùng với đó, đồ đạc cũng được di chuyển đến nơi an toàn nên thiệt hại không nhiều. Chỉ có máy chụp X-Q kỹ thuật số do không thể di chuyển được nên bị nước vào, chưa thể khắc phục ngay được, mà phải sau khoảng 10 ngày, đợi máy khô, đơn vị sửa chữa mới có thể khắc phục. Tính đến ngày 13-9, tổng số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện là 167 người, bằng khoảng 2/3 so với bình thường. Dự kiến số bệnh nhân sẽ tăng trở lại từ đầu tuần tới...
Cũng bị ngập nặng trong trận lũ lụt vừa qua, 3 trạm y tế phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên, gồm: Tân Long, Túc Duyên, Quang Vinh đã được rất nhiều lực lượng hỗ trợ dọn dẹp. Theo bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố: Đến ngày 13-9, chỉ còn Trạm Y tế phường Quang Vinh là chưa khắc phục xong, còn 2 trạm Tân Long, Túc Duyên, sau khi phun hóa chất khử khuẩn đã bắt đầu trở lại hoạt động. Tuy nhiên, do máy vi tính, bàn ghế, thuốc… của 3 trạm này đều bị hỏng nên chúng tôi đang xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ. Trong thời gian này, người dân tại 3 phường nêu trên được hướng dẫn đến khám, điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố khi có nhu cầu.
Nằm ở vùng “rốn lũ” nên cả 3 trường: mầm non, tiểu học và THCS Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) cũng đều bị ngập sâu, gây hư hỏng nhiều thiết bị. Sau khi nước rút, từ ngày 12 đến 13-9, đã có hàng nghìn lượt cán bộ công an, quân đội, đoàn viên, sinh viên đến chung tay cùng các trường làm sạch bùn đất, vệ sinh lớp học.
Cô giáo Nguyễn Thị Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Túc Duyên, cho biết: Nhà trường có 8 phòng học ở tầng 1 bị ngập sâu. Với không khí lao động khẩn trương, đến 13-9, Nhà trường đã dọn xong bùn đất và tiến hành phun khử khuẩn, sắp xếp lại đồ đạc để sẵn sàng đón 600 học sinh trở lại vào thứ Hai (16-9).
Mặc dù không bị ngập nước, nhưng Công ty TNHH Nhã Lợi, xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt (Phú Lương), cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề do mưa bão. Anh Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Công ty tôi hoạt động ở 2 bên đường đối diện nhau, một bên kinh doanh xăng dầu, một bên kinh doanh vật liệu xây dựng. Đêm 9-9, do trời mưa quá to nên đất từ đồi cao phía sau sạt xuống cả kho chứa xi măng (với khối lượng khoảng 500-600m3, làm sập khoảng 100/300m2 nhà kho, gây hư hỏng hơn 20 tấn xi-măng) và cửa hàng xăng dầu (khoảng 100m3 đất sạt xuống, làm hỏng cột bơm xăng). Ước tính thiệt hại khoảng 400-500 triệu đồng. Mấy ngày nay, đơn vị đang nỗ lực khắc phục để sớm đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động từ ngày 19-9. Tuy thiệt hại về kinh tế, nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm lòng trước sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, người dân khu vực và bạn hàng. Cũng nhờ được tạo điều kiện trong việc vận chuyển đất bị sạt nên công tác khắc phục được thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh: Từ 13-9, số lượng người dân đến thực hiện các thủ tục hồ sơ đã trở lại bình thường. Trong những ngày mưa lũ, một số cán bộ phải nghỉ do nhà ở bị cô lập, song các sở đều bố trí cán bộ thay thế nên Trung tâm vẫn hoạt động bình thường.
Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa của phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) chiều 13-9. |
Không chỉ có ở Trung tâm Phục vụ hành chính công, tất cả cơ quan, đơn vị, sở, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh ngay cả trong những ngày xảy ra bão lụt vẫn duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân. Riêng các xã, phường bị ngập nặng, do phần lớn nhân lực tập trung cho công tác chống lụt nên chỉ có một số cán bộ được phân công trực để giải quyết các hồ sơ tồn, nhằm đảm bảo thời gian giải quyết cho người dân. Đến ngày 13-9, cơ bản các xã, phường này đã trở lại hoạt động bình thường và số lượng người đến làm các thủ tục có phần tăng hơn so với ngày thường.
Tại khắp các địa phương bị ngập lụt trong tỉnh, đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí ra quân thu dọn bùn đất, làm sạch môi trường một cách khẩn trương, nhằm ổn định cuộc sống. Cùng đoàn công tác của Sở Y tế đi kiểm tra thực tế để chỉ đạo công tác khắc phục vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình trong chiều 12-9, chúng tôi thấy rất đông công chức xã, giáo viên các trường học, cùng lực lượng quân đội, đoàn viên thanh niên và người dân tham gia dọn dẹp, rửa sạch bùn đất những nơi nước vừa rút, để vừa ổn định cuộc sống, vừa phòng tránh bệnh dịch.
Ngay tại trung tâm TP. Thái Nguyên những ngày này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên và các bệnh viện: A, Mắt, Gang Thép, Quốc tế, Sức khỏe tâm thần, lực lượng Quân đội, sinh viên Đại học Y - Dược Thái Nguyên đã dồn lực ra quân phun hóa chất khử khuẩn tại khắp các địa điểm công cộng, các chợ, trường học, cơ quan, đơn vị… nhằm không để dịch bệnh phát sinh. Một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ tư nhân, các nhóm thiện nguyện vẫn tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ người dân sửa chữa đồ điện tử, xe máy, giặt là miễn phí cho những hộ bị ngập…
Vẫn còn cần thêm thời gian và cả kinh phí để nhiều tổ chức, cá nhân khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của ấp ủy, chính quyền các cấp, cùng tinh thần đoàn kết, sẻ chia của các đơn vị chức năng, các nhà hảo tâm, nhân dân khắp các tỉnh, thành trong cả nước, Thái Nguyên đã vững vàng vượt qua thiên tai và đưa nhịp sống thường nhật dần trở lại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin