Thái Nguyên trong cơn lũ lịch sử

Nhóm P.V 10:04, 10/09/2024

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh, mực nước sông Cầu đã vượt qua mức báo động 3, khiến nhiều hộ dân ở TP. Thái Nguyên ngập sâu trong nước. Đây được coi là trận lũ lịch sử đối với người dân Thái Nguyên trong mấy chục năm gần đây.

Mực nước sông Cầu dâng cao gây ngập úng trên địa bàn TP. Thái Nguyên.
Mực nước sông Cầu dâng cao gây ngập úng trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Ngập úng diện rộng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thái Nguyên, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh khá nghiêm trọng. Tại TP. Thái Nguyên, lực lượng chức năng tạm thời cấm người, phương tiện đi qua cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng và cầu Mỏ Bạch. Bên cạnh đó, một số khu vực bị ngập sâu, cấm người và phương tiện lưu thông, như: Nhiều tuyến đường tại phường Quang Vinh, khu vực giao cắt giữa đường Hùng Vương và đường Phan Đình Phùng, đường vào chợ Túc Duyên và các khu vực nằm cạnh sông Cầu bị ngập úng… Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập. 

Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình (gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu). Tại TP. Phổ Yên, khu vực Phú Cốc thuộc phường Tân Phú (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc, Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân cũng bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản…

TP. Phổ Yên bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm ngập úng thuộc khu vực Phú Cốc, phường Tân Phú.
TP. Phổ Yên bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm ngập úng thuộc khu vực Phú Cốc, phường Tân Phú.

Nỗ lực của các cấp, ngành chức năng

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn. Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực, công trình trọng điểm, xung yếu, như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.

Cụ thể, tại TP. Thái Nguyên, lực lượng chức năng của thành phố cùng các địa phương đã và đang khẩn trương hỗ trợ di dời gần 1.200 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Về tài sản, lực lượng chức năng đã hỗ trợ di dời 29.000 con gà, 150 con lợn tại các xã Đồng Liên, Sơn Cẩm và phường Cam Giá. Hiện tại, các địa phương vẫn đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực bị ngập. Riêng khu vực dân cư ở tổ 6, 7 phường Quang Vinh, lực lượng chức năng ưu tiên đưa người già, trẻ nhỏ ra khỏi vùng lũ lụt; tiếp tế đồ ăn cho những người bị mắc kẹt trong vùng nước lũ…

Lực lượng chức năng xã Minh Tiến (Đại Từ) giúp nhân dân di chuyển người, tài sản ra khỏi khu vực bị ngập lụt.
Lực lượng chức năng xã Minh Tiến (Đại Từ) giúp nhân dân di chuyển người, tài sản ra khỏi khu vực bị ngập lụt.

Tại các huyện, thành phố khác trong tỉnh, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện cùng các xã, phường, thị trấn tổ chức ứng trực 24/24 giờ, kiên quyết không cho người dân lưu thông qua những đoạn đường ẩn chứa nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ giúp nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai; di chuyển người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Cùng với đó, khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, có phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc  biệt, tại huyện Đồng Hỷ, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích ở xã Văn Lăng do bị lũ cuốn trôi.

Đường tỉnh 273 đoạn qua xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) bị sạt lở taluy âm, đã được lắp biển cảnh báo nguy hiểm.
Đường tỉnh 273 đoạn qua xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) bị sạt lở taluy âm, đã được lắp biển cảnh báo nguy hiểm.

Tình người trong mưa lũ

Trong thiên tai, hoạn nạn, tình người nơi "đất thép" như được “vun trồng” xanh tươi hơn khi những gia đình có điều kiện về con người, vật chất luôn sẵn sàng hỗ trợ những nhà ít có điều kiện hơn. Anh Nguyễn Minh Tuân, ở tổ 6, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Từ 2 giờ sáng ngày 9-9, nước lũ bắt đầu dâng cao, tràn vào nhà các hộ dân ở đây. Trong thời điểm lực lượng chức năng chưa tiếp cận được với bà con, các hộ có thanh niên, nhiều nhân lực hơn đã khẩn trương hỗ trợ những gia đình có người già, neo đơn di chuyển đồ đạc, tài sản lên vị trí cao hơn. Nhiều nhà cùng chia nhau từng gói mì tôm, chai nước uống. Trong lúc này, chúng tôi phải đoàn kết để khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mưa lũ...


Nhiều cá nhân, đơn vị đã trực tiếp nấu những suất ăn để phát cho lực lượng đang làm nhiệm vụ chống lũ lụt.
Nhiều cá nhân, đơn vị đã trực tiếp nấu những suất ăn để phát cho lực lượng đang làm nhiệm vụ chống lũ lụt.
Nhiều cá nhân, đơn vị đã trực tiếp nấu những suất ăn để phát cho lực lượng đang làm nhiệm vụ chống lũ lụt.

Khi nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên đang thực hiện bài viết này, nước từ thượng nguồn sông Cầu vẫn tiếp tục cuồn cuộn đổ về, mức độ ngập úng ở nhiều khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là các hộ nằm ven hai bên bờ sông Cầu tăng lên mức báo động cao hơn. Nhiều hộ có nhà xây cao tầng đã chủ động liên hệ với lực lượng chức năng đến ứng cứu những gia đình ở thấp hơn, không có phương tiện liên lạc…

Cả hệ thống chính trị và người dân Thái Nguyên đang phải kiên cường vượt qua trận mưa lũ lịch sử. Dẫu vậy, với quyết tâm cao của các cấp, ngành chức năng, sự chủ động, tích cực, tinh thần đoàn kết của mỗi người dân, chúng ta cùng tin tưởng Thái Nguyên sẽ vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống và sản xuất.


Từ khóa:

Thái Nguyên

mưa

bão