Giai đoạn 2021-2025, TP. Thái Nguyên dự kiến đưa 7 xã về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay, thành phố đã có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 3 xã NTM nâng cao. Những xã còn lại đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên, hiện còn 4 xã đang gặp khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu của tiêu chí Chất lượng môi trường sống (tiêu chí số 18), cần có giải pháp tháo gỡ.
Chi phí lắp đặt để sử dụng nước sạch hiện còn khá cao nên nhiều hộ ở khu vực nông thôn trên địa bàn TP. Thái Nguyên vẫn sử dụng nước giếng khoan. |
Phúc Xuân, Phúc Trìu, Đồng Liên và Linh Sơn là các xã của TP. Thái Nguyên đang phấn đấu "về đích" NTM nâng cao trong năm 2024. Trong 19 tiêu chí, các địa phương này đã cơ bản hoàn thành, hiện còn vướng một số chỉ tiêu của tiêu chí 18, đó là: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống nước tập trung (18.1) đạt bằng hoặc trên 35%; cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn bình quân đầu người/ngày đêm (18.2) bằng hoặc trên 60 lít; tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững (18.3) bằng hoặc trên 25%. Qua rà soát, cả 4 địa phương đang gặp nhiều vướng mắc, khả năng hoàn thành trong năm 2024 là rất khó khăn.
Ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, thông tin: Trên địa bàn xã có 3 nguồn cung ứng nước sạch, gồm: Công ty CP Nước sạch Yên Bình cung ứng theo vùng quy định của UBND tỉnh; Nhà máy nước sạch Thái Nguyên (thuộc Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên); Dự án nước sạch tập trung tại xóm Phúc Thuần, cung cấp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, số hộ sử dụng nước sinh hoạt tập trung đang rất thấp, mới chỉ khoảng 268 hộ, chiếm 16,76%.
Cái khó với địa phương hiện nay là chỉ có đơn vị duy nhất được phép cấp nước sạch cho bà con là Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên. Nhưng yêu cầu của đơn vị là chỉ lắp đặt hệ thống khi số hộ dân sử dụng mỗi xóm đạt ít nhất 70%. Bên cạnh đó, người dân phải chịu chi phí lắp đặt hệ thống cấp nước sạch với mức giá 3,3 triệu đồng/hộ. Đây là mức khá cao với bà con nên càng khó hơn trong việc vận động sử dụng nước sạch.
Xã Phúc Xuân cũng gặp khó khăn tương tự. Theo lãnh đạo chính quyền địa phương, hầu hết người dân sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và dùng máy để lọc nước ăn nên nhu cầu sử dụng nước sạch từ nguồn tập trung chưa cao. Trên địa bàn xã hiện đã có đầu mối nước sạch đi qua nhưng chưa có đường ống dẫn đến từng hộ dân.
Ngoài ra, do địa hình phức tạp, dân cư phân bố không đều, nhiều hộ ở xa trung tâm nên việc triển khai lắp đặt hệ thống nước sạch gặp nhiều vướng mắc. Kèm theo đó là chi phí lắp đặt hệ thống cấp nước sạch cao, nhiều hộ dân không đủ điều kiện. Theo tính toán của địa phương, để đạt được các chỉ tiêu trên, bà con phải đóng góp gần 1,9 tỷ đồng, tương ứng với 560 hộ tham gia.
Bà Phạm Thị Mùi, xóm Trung Tâm, xã Phúc Xuân, cho biết: Chúng tôi rất muốn được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, kinh phí lắp đặt ban đầu trên 3,3 triệu đồng/hộ là cao, đó là chưa kể hằng tháng phải nộp tiền mua nước sạch.
Đại diện cơ quan chuyên môn TP. Thái Nguyên cho biết: Cơ bản các hộ dân ở vùng nông thôn đều có nước sạch để sử dụng, nhưng không phải qua hệ thống cấp nước tập trung. Do vậy, việc vận động người dân bỏ kinh phí đầu tư và chi trả tiền hằng tháng là không dễ. Hơn nữa, cũng phải chia sẻ với đơn vị kinh doanh nước sạch, khi họ đầu tư hệ thống cấp nước thì tỷ lệ hộ sử dụng phải đạt ở mức tiêu chuẩn mới có khả năng thu hồi vốn. TP. Thái Nguyên đã làm việc với các nhà cung cấp nước sạch để đề nghị giảm chi phí lắp đặt và hạ thấp tỷ lệ số hộ đăng ký sử dụng nước sạch.
Giải pháp hiện nay là các địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân. Thêm vào đó, các ngành chức năng của tỉnh cần kiến nghị điều chỉnh tiêu chí này cho phù hợp với thực tế các vùng nông thôn, dân cư thưa thớt. Về phía thành phố, hiện nay cũng chưa có cơ sở nào để hỗ trợ kinh phí cho người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin