Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đại Từ “nổi” lên các phong trào thi đua sôi nổi, như: Mở rộng đường xóm 6m; sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; phát triển du lịch cộng đồng… Huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đô thị văn minh. Để có được kết quả đó, trước tiên phải kể đến việc “đả thông” tư tưởng cho nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ dân vận khéo ở cơ sở.
Đến nay, phần lớn các tuyến đường xóm ở huyện Đại Từ đã được mở rộng từ 6m trở lên và đổ bê tông, giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân thuận lợi hơn. Trong ảnh: 100% các tuyến đường trục xóm ở xã Ký Phú đã được đổ bê tông. Ảnh: T.L |
Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt
Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, đất đai là tư liệu sản xuất chính của bà con nông dân, không có đất sản xuất đồng nghĩa với “thất nghiệp”, việc thoát đói nghèo là rất khó khăn. Thế nhưng, nhiều hộ nông dân ở Đại Từ vẫn sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất và tài sản trên đất để mở rộng đường xóm 6m, tiêu biểu như: Gia đình chị Nguyễn Thị Nhà, ở xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến; ông Chu Lưu Kha, ở tổ dân phố số 9, thị trấn Quân Chu; anh Dương Văn Bảy, ở xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông… Khi chúng tôi phỏng vấn “có tiếc không?”, một số người chia sẻ: Dù rất tiếc nhưng vì lợi ích chung, vì sự phát triển bền vững của cộng đồng, họ sẵn sàng hiến đất, tài sản trên đất mà không đòi hỏi bất kỳ sự hỗ trợ nào.
“Khi xã vận động gia đình tôi hiến hơn 1.000m2 đất, bản thân tôi và các thành viên trong nhà cũng có chút suy nghĩ. Bởi vì diện tích đất hiến rất lớn, ảnh hưởng phần nào tới khu vực dự định phát triển homestay của gia đình. Tuy nhiên, sau khi nghe cán bộ tuyên truyền, giải thích, chúng tôi nhận thức được lợi ích to lớn về tương lai khi con đường được mở rộng. Không chỉ gia đình tôi và các homestay khác trong xã cũng sẽ dễ dàng thu hút du khách hơn nhờ giao thông đi lại thuận tiện. ”- anh Dương Văn Bảy bày tỏ.
Đồng chí Hoàng Thị Bạch Yến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, cho biết: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”. Vì vậy, trước khi triển khai bất kỳ một phong trào, hoạt động gì chúng tôi cũng chú ý, đề cao công tác “dân vận khéo” thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Khi tư tưởng người dân đã thông suốt, họ nhận thức, ý thức được việc mình làm có ý nghĩa thì sẵn sàng tự nguyện thực hiện. Người có ít đóng góp ít, người có nhiều đóng góp nhiều để xây dựng quê hương, làng xóm ngày càng trở nên giàu mạnh. Những nghĩa cử cao đẹp sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần tạo nên thành công.
Thu về nhiều “trái ngọt”
Tính đến nay, huyện Đại Từ tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất giải phóng mặt bằng mở rộng được gần 260km đường xóm rộng từ 6-7m; thi công nền đường đạt hơn 200km, đổ bê tông mở rộng mặt đường gần 100km. Người dân hiến hơn 50ha đất, giá trị đất và tài sản trên đất ước khoảng 86 tỷ đồng; thực hiện di chuyển gần 700 cột điện các loại. Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 19 tuyến đường huyện quản lý, chiều dài hơn 130km, với tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Huyện đã phát động phong trào ra quân lao động tình nguyện thường kỳ để dọn dẹp đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh tại 29 xã, thị trấn, huy động được gần 100 nghìn lượt người tham gia…
Những năm gần đây, nhân dân xã Phục Linh (Đại Từ) chú trọng phát triển sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế. |
Đến nay, hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ, với 100% tuyến đường huyện, trục xã và liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia… Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt khoảng 53 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 3,7%; 27/27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt NTM nâng cao; 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Đại Từ trở thành một điểm sáng trong toàn tỉnh và cả nước về phong trào hiến đất và tài sản làm đường giao thông; đạt huyện NTM năm 2023 và đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đô thị văn minh vào năm 2025…
Kết quả thành công của quá trình xây dựng huyện Đại Từ đạt NTM là sản phẩm được kết tinh từ sự tuyên truyền, vận động, lắng nghe và thấu hiểu ý kiến nhân dân; sự đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Đây là nền tảng vững chắc để địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao trong những năm tiếp theo.
Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; nhân rộng, lan tỏa các mô hình hiệu quả. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đại Từ đã xây dựng và duy trì được 207 mô hình "Dân vận khéo" trên nhiều lĩnh vực (kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị…). Các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tại địa phương, như: “Tổ hợp tác nuôi ong mật phát triển kinh tế”, Câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc dân tộc Dao”; “Giáo xứ bình yên về an ninh trật tự”; “Khu dân cư camera tự quản đảm bảo an ninh trật tự”; “Vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản mở đường xây dựng NTM”; mô hình “Đường giao thông nông thôn 6m”... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin