Chuyển đổi số ở Thái Nguyên - Từ xa lạ đến cuộc cách mạng toàn dân (kỳ 3): Mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống

Huệ Dinh - Thu Hà 10:47, 23/10/2024

Sau hơn 3 năm nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), Thái Nguyên đã có “cú lội ngược dòng” ngoạn mục khi từ một địa phương ở top dưới trở thành “điểm sáng” về lĩnh vực này trong toàn quốc. CĐS mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống, góp phần đưa chính quyền số, kinh tế số và xã hội phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng chuyển đổi số, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Phổ Yên, có khả năng giám sát và phân tích, đánh giá các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Ứng dụng chuyển đổi số, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Phổ Yên, có khả năng giám sát và phân tích, đánh giá các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Ba “trụ cột” chính lên ngôi

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã dần chuyển đổi hình thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, với mục tiêu trở thành chính quyền số phục vụ nhân dân trên nền tảng số. Đến nay, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành của tỉnh được triển khai tại 48 sở, ban, ngành, 8 đơn vị cấp huyện (TP. Thái Nguyên sử dụng hệ thống riêng) và 100% đơn vị cấp xã, với trên 12 nghìn tài khoản người dùng; đồng thời cấp gần 17,6 nghìn hòm thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức.

Ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử đã có gần 94% số đảng viên sử dụng với trên 93 nghìn tài khoản được đăng ký (94% số tài khoản đã cập nhật, chuẩn hóa thông tin). Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, phục vụ an toàn, kịp thời các phiên họp trực tuyến…

 

Tỉnh cũng ưu tiên triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và xây dựng đô thị thông minh. Đến nay, toàn tỉnh thu nhận trên 847 nghìn tài khoản định danh điện tử mức độ 2, kích hoạt trên 811 nghìn tài khoản (đạt tỷ lệ 96%); trên 529 nghìn tài khoản bảo hiểm xã hội giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt. Đối với dịch vụ công trực tuyến, riêng 9 tháng qua đã tiếp nhận trên 487 nghìn hồ sơ, xử lý trên 475 nghìn hồ sơ (99,78% hồ sơ giải quyết đúng hạn)...

Phát triển kinh tế số, Thái Nguyên đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, toàn tỉnh cũng đã triển khai 107 chợ 4.0; 820/898 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền, đạt tỷ lệ 91,3%...

Anh Đỗ Mạnh Hà, ở tổ 6, phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên): Tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt chính là chỉ với chiếc điện thoại thông minh, mọi giao dịch, mua bán của chúng tôi đều được xử lý nhanh gọn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 5.000 DN số, trong đó có trên 300 DN công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp CĐS, tư vấn giải pháp CĐS, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin. Năm 2023, tổng doanh thu kinh tế số của tỉnh đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng (tương đương 33,1 tỷ USD); từ đầu năm đến nay, đạt trên 530 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, phong trào livestream bán nông sản ngày càng được nhân rộng, đem lại hiệu quả cao. Theo ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh cập nhật, sử dụng phần mềm Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên. Hiện đã có 426 tài khoản đăng ký sử dụng; trên 7.000 số cơ sở cập nhật, theo dõi; 182 vùng sản xuất với tổng diện tích gần 1.300ha...

Điểm nhấn ấn tượng trong phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh chính là Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình đã được HĐND tỉnh thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 từ cuối năm 2023. Hiện nay, Đồ án đã được thực hiện xong, đang xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về đấu nối quy hoạch dự án vào đường vành đai V để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

 

Với nhiều nỗ lực, chỉ số kinh tế số của Thái Nguyên hiện xếp thứ 4 toàn quốc và đóng góp 34% vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh, vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong xây dựng xã hội số, tỉnh cũng đạt một số thành tựu khi áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, làm thay đổi thói quen học tập, làm việc, giao tiếp, mua sắm, giải trí của người dân, hình thành nên công dân số và văn hóa số.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (thuộc Sở) đã thực hiện tiếp nhận thông tin khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử; 177/177 trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý 18 chương trình y tế; 14/14 cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người lái xe đã liên thông gần 52 nghìn kết quả khám sức khỏe lái xe; 15 cơ sở khám, chữa bệnh đã liên thông trên 32 nghìn giấy chứng sinh…

Hay như ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến với hơn 5,8 triệu tiết dạy học trực tuyến được thực hiện; cấp 204 chứng thư số sử dụng giải pháp ký số tập trung cho cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng trong hoạt động chuyên môn của ngành. Sở Giao thông Vận tải đang vận hành và triển khai có hiệu quả 4 phần mềm được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao và 4 phần mềm do Sở chủ động xây dựng…

Những mục tiêu mới cao hơn, xa hơn

Với những kết quả đạt được, CĐS ở Thái Nguyên tiếp tục đi vào tầng cao mới khi tập trung nhiều hơn cho chất lượng. Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: Để đẩy mạnh CĐS, bên cạnh phát huy, kế thừa các giải pháp đang triển khai, chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt, triển khai Đề án CĐS của Thái Nguyên đến năm 2025. Đề án bao gồm các nội dung cụ thể trên tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-TU trong giai đoạn ngắn, đến năm 2025. Thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án sẽ tạo nên những động lực thúc đẩy hoạt động, tạo đột phá trong CĐS, nhất là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số theo nguyên tắc lấy người dân, DN làm trung tâm.

Trong dự thảo Đề án này, ngành Thông tin và Truyền thông đề xuất 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Phát triển hạ tầng số; nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; triển khai hệ thống camera có ứng dụng AI tại các khu công nghiệp, khu vực trung tâm, khu vực đông dân cư; xây dựng hệ thống định danh điện tử; xây dựng nền tảng dữ liệu số tỉnh Thái Nguyên; ứng dụng nền tảng AI…

Ứng dụng chuyển đổi số, nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ thông qua sàn giao dịch điện tử, livestream bán hàng trên mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: T.L
Ứng dụng chuyển đổi số, nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ thông qua sàn giao dịch điện tử, livestream bán hàng trên mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: T.L

Riêng với nhiệm vụ phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh, trong Đề án có 9 nhiệm vụ thành phần, gồm: 100% bệnh viện, trường đại học triển khai 5G trong năm 2024; 100% khu dân cư phủ sóng 5G trong 2025; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tốc độ Gbps tới hộ gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu; Samsung phối hợp với nhà mạng để đầu tư trung tâm dữ liệu (DC) quy mô trên 1.000 cổng kết nối, 10MW cho các doanh nghiệp FDI của tỉnh; xây dựng bản sao số điển hình; triển khai ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera tại HTX chè Hảo Đạt; triển khai Trung tâm trải nghiệm ứng dụng 5G; phát triển các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Ông Đỗ Xuân Hòa nhấn mạnh: Để CĐS thành công thì hạ tầng số phải đi trước một bước. Xác định yếu tố hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của CĐS, chúng tôi ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Đây chính là chìa khóa giúp các địa phương vươn lên mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 chi nhánh ngân hàng thương mại, 106 phòng giao dịch, 273 máy ATM và 2.274 máy POS được phân bổ rộng khắp. Lũy kế số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet/ATM/POS đạt trên 6,6 triệu giao dịch, giá trị giao dịch đạt trên 66 nghìn tỷ đồng. Số lượng tài khoản thanh toán đạt trên 2,2 triệu tài khoản...

(Hết)