Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 20,4 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhằm nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, hằng năm, ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và lấy mẫu giám sát. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo quy định pháp luật.
Công tác lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm luôn được ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh quan tâm. |
Thực phẩm “bẩn” luôn có nguy cơ xuất hiện trên bàn ăn của mọi người, nhất là khi một số trường hợp sản xuất, kinh doanh vì lợi ích kinh tế đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để đưa sản phẩm động vật không đảm bảo ATTP ra thị trường. Bà Lê Thanh Thủy, tổ 3, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi khá lo ngại về chất lượng một số mặt hàng nông sản được bày bán tại các chợ truyền thống. Tôi nhận thấy, nhiều hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giết thịt gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, chết để bán; mang rau xanh còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao đi bán… Vì vậy, tôi rất đồng tình với các hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và lấy mẫu, giám sát ATTP của các cấp, ngành chức năng.
Trước những mong muốn của người dân cũng như nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có trên 600 con trâu, bò; hơn 161 nghìn con lợn và gần 8,4 triệu con gia cầm, xấp xỉ 31 nghìn con cá giống, hơn 6,5 triệu quả trứng và 9 nghìn kg phủ tạng đã được lực lượng chức năng kiểm tra.
Ngoài ra, Ngành cũng tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại 9 cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở giết mỗ nhỏ lẻ với trên 130 nghìn con gia cầm và gần 10,4 nghìn con lợn được kiểm tra an toàn dịch bệnh. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh, cho biết: Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ giúp lực lượng chức năng ngăn chặn được các đối tượng chăn nuôi, kinh doanh gia súc, gia cầm đưa những sản phẩm thịt có nhiễm bệnh ra thị trường để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, cũng như đảm bảo vệ sinh ATTP và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Cùng với việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, công tác lấy mẫu, giám sát ATTP được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Ngành đã chỉ đạo lấy 36 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản như chè, rau, thịt lợn, thịt gà, cá nước ngọt và gạo. Đáng mừng là thông qua kiểm nghiệm, các mẫu đều đạt yêu cầu, bảo đảm vệ sinh ATTP.
Cán bộ thú y lấy mẫu chẩn đoán bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò tại thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). |
Lực lượng chức năng cũng đã lấy trên 2.000 mẫu huyết thanh tại 71 lượt trang trại chăn nuôi trong tỉnh để phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi; 21 mẫu xét nghiệm bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục; 1 mẫu xét nghiệm tụ huyết trùng trâu bò. Trong đó phát hiện 5 mẫu dương tính với vi rút gây dịch tả lợn châu Phi. Ngay khi phát hiện dịch bệnh, ngành Nông nghiệp phối hợp với lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác khoanh vùng, dập dịch (tại Tràng Xá và xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai), không để lây lan ra diện rộng, bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và lấy mẫu, giám sát ATTP có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Dù vậy, công tác này vẫn đang gặp không ít trở ngại. Cụ thể, các cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh còn ít (chủ yếu tập trung giết mổ lợn, gà) nên việc thực hiện quy trình giết mổ đối với động vật khác như trâu, bò... còn khó khăn.
Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATTP tại cơ sở thực phẩm kinh doanh theo hình thức online, trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook.. gặp khó, làm hạn chế việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Do vậy, nhằm góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm mắc bệnh; chủ động lấy mẫu, giám sát ATTP. Đặc biệt là ưu tiên lấy mẫu các sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, ngoài danh mục trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt; các chỉ tiêu chất lượng, ATTP trong sản phẩm sơ chế, chế biến. Qua đó phát hiện vi phạm, cương quyết xử lý những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản làm trái quy định của pháp luật…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin