Chiều 5-10, Hội In trung du - miền núi phía Bắc (Hiệp hội In Việt Nam) tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ XIII tại Thái Nguyên. Hội nghị là dịp để các công ty, nhà in trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, tìm ra hướng đi mới trong sản xuất và kinh doanh.
Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Hội nghị. |
Dự Hội nghị có đại diện Hiệp hội In Việt Nam; đại diện hội in các khu vực trong cả nước; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Báo Thái Nguyên và trên 200 đại biểu đến từ 16 nhà in trong khu vực.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Bùi Tuấn (Nam Định) |
Các đại biểu dành 1 phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão. |
Hội In trung du - miền núi phía Bắc được thành lập năm 2008, đến nay đã có 17 hội viên ở 15 tỉnh. Các nhà in trong khu vực đa số tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, sau đó chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp khác nhau nhưng có chung mô hình hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh lĩnh vực in ấn với các sản phẩm truyền thống như sách, báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Trong suốt 16 năm hoạt động, Hội đã trở thành nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi để động viên nhau duy trì và phát triển.
Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Nhà in Báo Thái Nguyên từng bước hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. |
Những năm qua, các nhà in trong khu vực đã nỗ lực đổi mới phương thức quản lý, hiện đại hóa máy móc thiết bị, mở rộng thị phần, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nhiều việc làm, chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người lao động, các chỉ tiêu kế hoạch của nhiều nhà in đều tăng trưởng góp phần vào thành tích chung của Hội.
Theo đó, các nhà in trong khu vực đã đảm bảo việc làm cho gần 500 lao động, doanh thu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 362 tỷ đồng (tăng 12% so với kỳ trước); nộp ngân sách nhà nước hơn 18 tỷ đồng; thu nhập trung bình của lao động trong các nhà in đạt 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vũ Đức Hạnh, Giám đốc Nhà in Báo Thái Nguyên, phát biểu tại Hội nghị. |
Đối với Nhà in Báo Thái Nguyên, tính từ năm 2020 đến nay, Nhà in đã đạt tổng doanh thu trên 35 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 1,4 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho 15 lao động với mức lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng; tập thể và các cá nhân của Nhà in đã được UBND tỉnh tặng 4 Bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho Hiệp hội In Việt Nam, hội in các khu vực trong cả nước và đại diện các nhà in trong khu vực đã thảo luận, phát biểu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Văn Trang, Chủ tịch Hội In trung du - miền núi phía Bắc, cho rằng: Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay các nhà in trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do công tác chuyển đổi số đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực khiến các sản phẩm in truyền thống tiếp tục bị thu hẹp, gặp phải sự cạnh tranh của các nhà in khu vực TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, các nhà in ngày càng thiếu hụt nhân lực, khó tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước những khó khăn đó, Hội In trung du - miền núi phía Bắc đề nghị Hiệp hội In Việt Nam ý kiến với Nhà xuất bản Giáo dục về việc sớm triển khai đấu thầu sách giáo khoa giáo dục năm học 2025-2026 để các nhà in cả nước có thêm việc làm và đảm bảo doanh thu; Cục Xuất bản - In - Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tham mưu các bộ, ngành liên quan giảm thiểu những quy định về nhận sản phẩm in và nới rộng thời gian, niên hạn về nhập khẩu máy móc, thiết bị ngành in để các nhà in có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị…
Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, phát biểu tại Hội nghị. |
Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Để ngành In bắt kịp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, các nhà in cần đổi mới toàn diện hoạt động từ công tác điều hành đến hoạt động in ấn. Trong đó, các nhà in cần chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong chính việc hoạt động in ấn để tối ưu hóa năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Lãnh đạo Hiệp hội In Việt Nam trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong sự phát triển của Hiệp hội. |
Lãnh đạo Hiệp hội In Việt Nam trao bằng khen cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự phát triển của Hiệp hội. |
Hội In trung du - miền núi phía Bắc tặng 15 Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất của các đơn vị. |
Lãnh đạo Hiệp hội In Việt Nam trao hỗ trợ cho 4 nhà in và 29 hộ gia đình khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 với tổng số tiền 99 triệu đồng. |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội In Việt Nam trao bằng khen cho 5 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự phát triển của Hiệp hội In Việt Nam; trao hỗ trợ cho 4 nhà in và 29 hộ gia đình khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 với tổng số tiền 99 triệu đồng. Hội In trung du - miền núi phía Bắc tặng 15 Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất của các đơn vị.
Đại diên Hội In trung du - miền núi phía Bắc trao chứng nhận kết nạp thành viên mới. |
Lãnh đạo Nhà in Báo Thái Nguyên trao cờ lưu niệm cho Nhà in Báo Sơn La. |
Trước đó, các đại biểu đến dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin