Mối lo khi bờ sông Công sạt lở

Phương Huy 10:58, 30/10/2024

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết đã khiến một số đoạn bờ sông Công thuộc địa bàn TP. Phổ Yên bị sạt lở, nguy cơ ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng trên, nhằm ổn định đời sống người dân là vấn đề mà các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm.

Tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra tại khu vực xóm Hạ, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên).
Tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực xóm Hạ, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên).

Theo rà soát của các cơ quan chuyên môn TP. Phổ Yên, sau những trận mưa lũ vừa qua, bờ sông Công xuất hiện sạt lở ở một số khu vực như: xóm Bến Chảy và xóm Vạn Kim của xã Vạn Phái; tổ dân phố Bến, phường Đắc Sơn; tổ dân phố Lò, phường Nam Tiến; xóm Hạ, xã Phúc Thuận; xóm Đầm Mương 13, xã Minh Đức. Sạt lở không chỉ “xóa sổ” hàng trăm mét vuông đất sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân.

Đơn cử tại xã Vạn Phái, dọc tuyến đê sông Công từ xóm Bến Chảy đến xóm Vạn Kim, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của 53 hộ dân, với 215 nhân khẩu và khoảng 20ha đất sản xuất nông nghiệp, vị trí sạt lở cách nhà dân khoảng 10m.

Ông Trần Đoàn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phái: Mỗi khi xảy ra mưa lớn, nước từ đầu nguồn sông Công đổ dồn về, thúc mạnh vào hai bên bờ khiến cho đất lở, rơi xuống lòng sông. Nhiều bụi tre, cây cối được người dân trồng hai bên bờ sông để chống xói lở cũng bị sạt xuống, nước cuốn trôi ra xa. Sau đợt mưa lũ tháng 9 vừa qua, đoạn sạt lở mới nhất có chiều dài trên 50m, từ mép sông vào hơn 10m tạo ra những hố sâu rất nguy hiểm.

Tương tự, tại xóm Đầm Mương 13, xã Minh Đức, theo phản ánh của người dân, sau mỗi trận mưa, khu vực trên đều bị sạt lở. Tình trạng này xảy ra liên tục trong 2 năm trở lại đây, với chiều dài đến nay hơn 800m, chiều sâu khoảng 12m, cách nhà dân gần nhất khoảng 20m, nguy cơ ảnh hưởng đến 22 hộ dân, với 87 nhân khẩu và nhiều diện tích trồng cây hằng năm.

Khu vực bờ sông xóm Đầm Mương 13 chủ yếu là đất cát, nên nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục khi mưa kéo dài, khiến nhân dân lo lắng.

Bờ sông Công, đoạn chạy qua khu vực xóm Đầm Mương 13, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên), bị sạt lở nghiêm trọng, làm mất đất sản xuất, đe dọa cuộc sống của người dân.
Bờ sông Công, đoạn qua khu vực xóm Đầm Mương 13, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên), bị sạt lở nghiêm trọng, làm mất đất sản xuất, đe dọa cuộc sống của người dân.

Ông Lưu Mạnh Thắng, người dân xóm Đầm Mương 13, cho hay: Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, đoạn bờ sông gần khu vực nhà ở của gia đình tôi bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 150m, chiều sâu khoảng 4m; đoạn sạt lở chỉ cách công trình phụ điểm gần nhất khoảng 20m, cách nhà chính khoảng 30m, khiến gia đình luôn sống trong thấp thỏm, lo âu. Chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Các khu vực sạt lở nằm trong không gian thoát lũ của hạ du hồ Núi Cốc, vì vậy không thể khắc phục sạt lở bằng việc xây dựng các tuyến đê dọc theo dòng sông. UBND thành phố đã báo cáo, đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng kè tại một số vị trí sạt lở nghiêm trọng, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.

Đến nay, tại xã Vạn Phái, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã phê duyệt đầu tư công trình kè bảo vệ bờ sông Công (đoạn 3), thuộc Dự án sửa chữa cấp bách, đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc và hạ du, tỉnh Thái Nguyên, với chiều dài hơn 1,2km, kinh phí trên 37 tỷ đồng.

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Phổ Yên đang tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT (chủ đầu tư), UBND xã Vạn Phái thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các điều kiện thi công.

Trong quá trình chờ cơ quan chức năng xử lý các điểm sạt lở, UBND TP. Phổ Yên đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân chủ động trong việc đi lại. Các xã, phường cũng tiến hành cắm các biển cảnh báo, hướng dẫn; đồng thời xây dựng phương án sẵn sàng di dời người và tài sản ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở.