Trước những diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, ngày 3/1/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về “Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của Chỉ thị số 01/CT-TTg, Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt triển khai các nội dung công tác nhằm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Lực lượng PCCC cơ sở Công ty CP Khí hóa lỏng Thăng Long tập luyện, kiểm tra phương tiện chữa cháy tại chỗ. |
Với mục tiêu đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH. Công an tỉnh đã phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài PTTH tỉnh và trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông các huyện, thành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, đã đăng phát 18 phóng sự, trên 1.450 tin bài tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH. Tổ chức trên 2.290 buổi tuyên truyền kiến thức về PCCC kết hợp hướng dẫn trải nghiệm thực hành kỹ năng chữa cháy và thoát nạn với trên 379.600 người tham gia.
Để công tác PCCC trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC. Lực lượng Công an đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Trong đó, việc triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh là một cách làm hay đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác PCCC ngay từ cơ sở... Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả 638 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”.
Trong năm 2024, Công an tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo và đã tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” từ cấp huyện đến cấp tỉnh, thu hút 165 tổ liên gia trên địa bàn tham gia. HHội thi đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm cao của các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong công tác PCCC và CNCH.
Tính đến hết tháng 9-2024 có 629 tổ liên gia an toàn PCCC tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH và rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả xử lý tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra; 2.302 “Điểm chữa cháy công cộng được xây dựng tại các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được... đã đáp ứng kịp thời các phương tiện chữa cháy tại chỗ để mọi người dân đều có thể chủ động chữa cháy khi phát hiện ra đám cháy tại thời điểm vàng (dưới 5 phút kể từ khi xảy ra cháy). Đã có rất nhiều vụ cháy được phát hiện và dập tắt kịp thời, không để hình thành đám cháy.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (TP. Thái Nguyên) thực hành, trải nghiệm thoát nạn bằng đệm hơi. Ảnh: Thảo Nguyên |
Quán triệt quan điểm “An toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước”, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC hơn 2.330 cơ sở, hơn 420 phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ. Qua đó, lực lượng Công an đã hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC tại cơ sở, kịp thời xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm gây mất an toàn về PCCC nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người lao động và cơ quan, doanh nghiệp.
Đồng thời, với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân, Công an tỉnh luôn quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho công an cấp xã và lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng làm nòng cốt cho phong trào Toàn dân PCCC trên địa bàn. Đã tổ chức 12 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác PCCC cho hơn 700 cán bộ công an cấp xã, mở trên 200 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở với tổng số trên 10.780 người.
Công an cấp xã và lực lượng dân phòng đã vận động trên 327.300 (đạt tỷ lệ 98,9%) hộ gia đình trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay; hơn 7.480 hộ gia đình từ 2 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2…
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác xây dựng, phát động phong trào toàn dân PCCC và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác PCCC, trọng tâm là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh..., hướng dẫn các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 27/2021/NQ- HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên thực hiện các giải pháp khắc phục về PCCC&CNCH theo Quyết định số 2210/QĐ- UBND ngày 20/9/2024 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Cùng với đó là chỉ đạo Công an TP. Thái Nguyên, Công an huyện Phú Lương, Phú Bình tham mưu UBND cùng cấp ban hành kế hoạch tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” năm 2025; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về PCCC; duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình tự quản về PCCC đã được xây dựng nhằm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin