Không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, việc đưa các cơ sở giết mổ động vật vào hoạt động còn giúp cho công tác quản lý của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh thuận lợi hơn. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đến việc nâng cấp, xây dựng và tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn.
Cán bộ thú y của tỉnh lấy mẫu hầu họng gia cầm tại chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) để kiểm tra an toàn dịch bệnh. |
Nhằm xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ động vật quy mô ngày càng hiện đại hơn, phù hợp với thực tế các địa phương, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thực hiện rà soát, quy hoạch và bố trí đất xây dựng cơ sở giết mổ động vật đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 63 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, 16 cơ sở giết mổ động vật tập trung, tổng diện tích 65ha.
Trong 2 năm qua, ngành chức năng đã hướng dẫn nâng cấp, xây dựng mới 1 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ tại Định Hóa; nâng cấp, mở rộng đối tượng từ giết mổ lợn sang giết mổ lợn và gia cầm tại 2 cơ sở trên địa bàn TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên.
Với nhiều nỗ lực, đến nay, Thái Nguyên đã hình thành 9 cơ sở giết mổ và đang hoạt động khá ổn định, trong đó có 1 cơ sở giết mổ tập trung. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Đi đôi với việc xây dựng các cơ sở giết mổ, công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y (KSGM-KTVSTY) luôn được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương quan tâm.
Cụ thể, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra cơ sở giết mổ; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện công tác quản lý, quy trình KSGM của nhân viên được giao nhiệm vụ tại cơ sở giết mổ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xử lý nghiêm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm ( ATTP), bảo vệ môi trường.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, lực lượng thú y đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra về thú y, ATTP đối với cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn bàn. Ông Lê Đắc Vinh cho biết thêm: Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức thực hiện kiểm tra đánh giá, phân loại điều kiện vệ sinh thú y, ATTP nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Riêng năm 2023, Chi cục đã kiểm tra, đánh giá và xếp loại 3 cơ sở (đều đảm bảo điều kiện ATTP, đánh giá xếp loại B).
Ngoài ra, Chi cục còn tích cực kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc tại các cơ sở giết mổ. Thời gian qua, Chi cục đã sử dụng 110 kit test nhanh về sử dụng chất cấm Salbutamol đối với gia súc tại các cơ sở giết mổ và gia súc trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Kết quả 100% kit test nhanh Salbutamol đều cho kết quả âm tính.
Bên cạnh những nỗ lực của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, các huyện, thành phố đang thực hiện rà soát, thống kê, quản lý đối với 1.096 hộ, điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là việc xóa bỏ tình trạng giết mổ động vật tại hộ kinh doanh, giết mổ động vật tại hộ chăn nuôi và cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo các điều kiện theo quy định (năm 2023 giảm 160/1.248 hộ, cơ sở).
Đối với việc thực hiện KSGM-KTVSTY tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các địa phương giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp bố trí cán bộ thực hiện. Trung bình mỗi năm, lực lượng này KSGM-KTVSTY đối với trên 270 nghìn con gia cầm, 16 nghìn con lợn. Riêng năm 2023, thu phí KSGM nộp ngân sách nhà nước 167 triệu đồng.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc quản lý cơ sở giết mổ động vật, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý những tổ chức, cá nhân, cơ quan, nhân viên thú ý thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về KSGM-KTVSTY cho nhân viên thú y cấp huyện, xã...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin