Năm 2023, Thái Nguyên đã tổ chức và tham dự 4 chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Cuba, Đài Loan (Trung Quốc). Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trên địa bàn tỉnh có 41 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn 253,4 triệu USD, 17 lượt dự án tăng vốn với tổng số 136,23 triệu USD. Trên cơ sở kết quả đạt được, Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2024 đặt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN); tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn...
Khu công nghiệp Yên Bình đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh. Ảnh: N.N |
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước
Đầu tháng 9 vừa qua, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Công ty CP CA Water do ông Tarun Brahama, Giám đốc đầu tư toàn cầu, Quỹ đầu tư chống biến đổi khí hậu Hà Lan (CFM), làm Trưởng đoàn.
Đây là hoạt động nhằm hiện thực hóa kết quả Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn làm việc với CFM vào trung tuần tháng 4-2024 tại châu Âu, nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối các địa phương, xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Tại buổi làm việc, CFM mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, tham gia một số dự án cấp nước sạch, quản lý nguồn nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại chương trình làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến nhấn mạnh: Thái Nguyên mong muốn thu hút vào các lĩnh vực, dự án về cấp nước sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển thị trường các-bon, tín dụng xanh; đầu tư cải tạo, nâng hệ thống thủy lợi, đê điều, hồ chứa, dự án công nghệ mới giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, giảm các-bon và dự án về xây dựng công trình xử lý nguồn nước thải, rác thải công viên công cộng…
Tiếp nối thành công của dự án xây dựng Nhà máy nước tại huyện Phú Bình, đại diện doanh nghiệp (DN) đề xuất thực hiện Dự án Xây dựng nhà máy nước Phổ Yên công suất 50.000m3/ngày, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng; Dự án thu gom xử lý nước thải TP. Phổ Yên (gồm Nhà máy nước thải PY.I công suất 15.000m3/ngày, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng và Nhà máy nước thải PY.II công suất 35.000 m3/ngày, tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng).
Bên cạnh tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, hoạt động thu hút đầu tư vào KCN, CCN được các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm. Xác định thu hút đầu tư là động lực để phát triển nhanh các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và phát triển các KCN mới trên địa bàn. Đồng thời chủ động mời gọi, làm việc với DN để vận động xúc tiến đầu tư vào KCN.
Tính chung 9 tháng năm 2024 (đến ngày 15/9/2024), toàn tỉnh có 19 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn 505,7 triệu USD, 17 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký 78,65 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 216 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 10,81 tỷ USD.
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, cho biết: Với dư địa trên 6.000ha đất phục vụ phát triển công nghiệp, Thái Nguyên có lợi thế so sánh để nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận đất đai phục vụ triển khai các dự án...
Cải thiện môi trường đầu tư
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 6 KCN, trong đó 5 KCN đang duy trì hoạt động ổn định. Quy hoạch tỉnh có 41 CCN với tổng diện tích 2.067ha. 8 tháng năm 2024, tỉnh đã thành lập thêm 6 CCN với tổng mức đầu tư 4.185,79 tỷ đồng, tổng diện tích 358,96ha.
Đến nay, Thái Nguyên có 27/41 CCN có chủ đầu tư hạ tầng, đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là 10.368 tỷ đồng, trong đó có 11 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn 9.492,7 tỷ đồng.
Viện Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) được trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu của sinh viên trong lĩnh vực công nghệ vi mạch và bán dẫn. |
Cùng với đẩy nhanh triển khai các KCN, CCN, tạo ra một quỹ đất sạch, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và bình đẳng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Cụ thể hóa Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành đã xây dựng chương trình cụ thể nhằm cải thiện chất lượng điều hành, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Hiện nay, có 20 sở, ban, ngành tổ chức tiếp nhận giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian như: Thủ tục đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 1-2 ngày; thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 35 ngày xuống còn 25 ngày; rút ngắn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày…
Hằng năm, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt, tôn vinh DN nhằm gắn kết, phát huy vai trò của DN đồng hành cùng lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, Thái Nguyên đưa ra 6 cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư: Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía DN; hỗ trợ tối đa DN trong việc thực hiện các TTHC, nhất là việc cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh cho DN; hỗ trợ DN trong việc đào tạo, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật… Đây là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên tạo sự bứt phá trong thu hút đầu tư, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin