TP Phổ Yên: Củng cố, bảo vệ đê xung yếu

Hải Hằng 18:41, 12/10/2024

Trước diễn biến thiên tai ngày càng thất thường, những năm qua, TP. Phổ Yên liên tục đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình đê điều; xây dựng các phương án hộ đê và chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực để chủ động ứng phó khi có tình huống…

Lãnh đạo TP. Phổ Yên kiểm tra một công trình đê điều.
Lãnh đạo TP. Phổ Yên kiểm tra một công trình đê điều.

Trên địa bàn TP. Phổ Yên có 2 con sông chảy qua là sông Cầu và sông Công, bám theo đó là 2 hệ thống đê với tổng chiều dài trên 33km. Trong đó, đê cấp III gần 29km, gồm: Đê Chã, đê Tả Công, đê Hà Châu. Đê cấp IV có tổng chiều dài trên 4km, gồm các tuyến: Đô Tân, Kim Sơn.

Do phía Tây Phổ Yên có dãy núi Tam Đảo đón gió Đông Nam, nên lượng mưa ở lưu vực sông Công khá lớn. So với lũ sông Cầu, lũ sông Công thường lớn và đột ngột hơn, lên nhanh, xuống nhanh. Các xã ven dãy núi Tam Đảo như: Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái thường xảy ra mưa lớn, nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét.

Nhằm đảm bảo an toàn các tuyến đê, những năm qua, TP. Phổ Yên đã triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đê, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ đê, tránh các hành vi vi phạm.

Cùng với tuyên truyền, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về đê điều, nhất là các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đê. Trước đây, trên địa bàn Phổ Yên có một số công trình xây dựng, người dân bán hàng quán lấn chiếm hành lang đê, địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa các công trình vi phạm. Đến nay đã chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang đê để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng... Có trường hợp công trình xây dựng trên hành lang đê tồn tại nhiều năm, đến nay đã được giải quyết dứt điểm.

Thành phố cũng quyết liệt chỉ đạo thực hiện tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông, nhất là khu vực có đê sát sông, kè bảo vệ bờ, khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe quá khổ, quá tải di chuyển trên đê, đập. Việc thường xuyên kiểm tra còn nhằm đánh giá an toàn đê, từ đó phát hiện, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn để bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục.

Tuyến đê Chã dài hơn 10km, gồm 5 cống dưới đê, 5 kè lát mái, 5 kè mỏ hàn, 4 điếm canh đê, 6 kho, bãi, vật tư phòng chống lụt bão. Đến nay, toàn tuyến đê đã được cứng hóa bằng bê tông nhựa và bê tông xi măng, lề toàn tuyến được đắp đất mỗi bên rộng 0,5m, có đoạn được mở rộng 7m, trải áp phan.

Về thân đê, một số đoạn xung yếu trước đây thường xảy ra mạch sủi, bãi sủi, giếng phụt, nay đã được xử lý bằng khoan phụt vữa gia cố thân đê, lấp đầm, ao. Về kè, toàn tuyến có 5 kè lát mái và 5 kè mỏ hàn, hằng năm được tu bổ, nối dài, lát mái bằng đá hộc và tấm bê tông, rồng đá hộ chân, nên các kè hiện đều ổn định.

Toàn tuyến đê được bố trí 4 điếm canh, 7 kho vật tư chống lụt bão để đảm bảo các điều kiện phòng chống lụt bão khi có tình huống xảy ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên, cho biết: Hệ thống đê điều trên địa bàn đều đã được cứng hóa và cắm mốc cụ thể. Hiện nay, trên địa bàn đang thực hiện các dự án phòng, chống thiên tai như: Dự án kè chống sạt lở đê sông Công, Dự án nâng cấp hợp giao thông tuyến đê Chã đoạn từ k0 đến k4+800, Dự án kè khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư xã Tân Phú. Cùng với đó, thành phố thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, canh gác, phát hiện sớm sự cố để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là đối với các vị trí xung yếu.

Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, cơ quan chức năng xác định được 11 điểm xung yếu. Đến nay, thành phố đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ, đặc biệt là đối với các điểm xung yếu, các công trình đang thi công dở dang.

Hằng năm, thành phố đều phối hợp với Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước, sau mùa mưa lũ. Trên cơ sở đó xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ với phương châm 4 tại chỗ.