TP. Thái Nguyên gần 1 tháng sau bão lũ lịch sử

Chung An 17:35, 06/10/2024

Sau cơn bão số 3, ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản trên địa bàn TP. Thái Nguyên là khoảng 380 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% toàn tỉnh. Ngay sau bão lũ, cấp ủy, chính quyền TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương bị ảnh hưởng khắc phục thiệt hại; hướng dẫn, động viên người dân khẩn trương tái sản xuất, dần ổn định đời sống.

Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị TP. Thái Nguyên cắt loại bỏ những cây xanh bị đổ, gãy.
Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị TP. Thái Nguyên cắt loại bỏ những cây xanh bị đổ, gãy.

Khẩn trương khôi phục hạ tầng bị thiệt hại

Trải qua đợt lũ lịch sử, TP. Thái Nguyên có 22 điểm trường bị ảnh hưởng, hư hỏng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; 3 trụ sở y tế bị ngập nước; 39 nhà văn hóa, khu thể thao xóm, tổ dân phố hư hỏng trang thiết bị; trên 4,5km đường giao thông, 2 cầu, 2 cống bị hư hỏng…

Ngay khi lũ rút, lãnh đạo TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo, huy động lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả theo phương châm “Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó”. 

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên, cho biết: Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về cơ sở vật chất của 16 trường học công lập và 6 trường ngoài công lập, tổng thiệt hại ước tính 11,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, chúng tôi đã huy động lực lượng xã hội, cán bộ, giáo viên chung tay giúp đỡ các nhà trường khẩn trương dọn dẹp, đảm bảo môi trường, giúp học sinh được trở lại trường ngay trong tuần học sau cơn bão.

Thời điểm này, Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị TP. Thái Nguyên cũng đang khẩn trương rà soát, khắc phục thiệt hại về hạ tầng giao thông, cây xanh đô thị, môi trường. Theo ông Phạm Văn Ngàn, cán bộ Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị TP. Thái Nguyên, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng đô thị, như: Sạt lở chân khay, tứ nón cầu Gia Bẩy; sụt lún tràn Hồng Thái, xã Tân Cương; sạt lở taluy âm và phần vỉa hè tuyến đường Huống Thượng - Chùa Hang, đường khu dân cư Đồng Bẩm… Nước chảy siết đã gây xói và làm hỏng rãnh thoát nước xung quanh khu vực bãi rác thải Đá Mài, xã Tân Cương; màng chống thấm bãi rác bị rách, với diện tích trên 4.400m2.

Dựa trên thực tế bị thiệt hại, Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị đã báo cáo với UBND thành phố đề nghị cấp kinh phí sửa chữa, trong đó ưu tiên những hạng mục cấp bách, như: Chặt, cắt tỉa cây xanh đô thị bị gãy, đổ, bật gốc; phối hợp xử lý phần sạt lở taluy âm và phần vỉa hè tuyến đường Huống Thượng - Chùa Hang, đường khu dân cư Đồng Bẩm…

Ngành Điện đã tập trung sửa chữa, đảm bảo cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực thành phố đã hoạt động trở lại bình thường ngay sau đó…

Không để sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn

Bên cạnh thiệt hại về hạ tầng, TP. Thái Nguyên cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề ở lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi nước rút, địa phương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, thống kê, xây dựng phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Các hộ nông dân cũng bắt tay ngay vào việc dọn dẹp, thu gom cây đổ, gãy; vật nuôi bị chết, để tái sản xuất khi nước rút.

Gia đình chị Lại Thị Tươi (ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) tái đàn ngay sau khi dọn dẹp, khử trùng chuồng trại.
Gia đình chị Lại Thị Tươi (ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) tái đàn ngay sau khi dọn dẹp, khử trùng chuồng trại.

Chị Lại Thị Tươi, ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, cho biết: Nước dâng cao khiến toàn bộ trại gà gần 13.000 con chuẩn bị xuất bán của gia đình bị chết. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, bà con hàng xóm, tôi đã có nguồn vốn để tái đàn. Sau khi dọn dẹp, khử trùng chuồng trại, gia đình đã vào 6.000 con gà, để kịp bán dịp Tết.

Còn bà Vũ Thị Tập, người dân ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, nói: Toàn bộ 4 sào ruộng trồng mướp đắng, mồng tơi, bầu của gia đình tôi bị chết hỏng do mưa lũ. Hiện nay, gia đình đang trồng một số loại rau cải ngắn ngày, tiếp đó là trồng mướp, bầu.

Để phục hồi sản xuất nông nghiệp, cơ quan chức năng của TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh không để lúa, rau màu bị ngập sâu trong thời gian dài. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố thường xuyên phân công cán bộ kỹ thuật phối với cán bộ khuyến nông cơ sở đi kiểm tra đồng ruộng. Trên cơ sở đó, có hướng dẫn hoặc phương án xử lý sau lụt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Do bão số 3, TP. Thái Nguyên có gần 1.500ha lúa, 333ha hoa màu, rau màu; 32ha cây lâm nghiệp; 65ha cây ăn quả; gần 48.000 cây hoa, cây cảnh các loại bị ngập, gãy, đổ; gần 220 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết…

Thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 9 tỷ đồng (từ ngân sách của tỉnh cấp) cho những xã, phường bị thiệt hại về nông nghiệp trên địa bàn. Dự kiến, trong đầu tháng 11 tới, khi đủ điều kiện về quy trình, thành phố sẽ thực hiện giải ngân hỗ trợ cho bà con.

Bà Ngô Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, cho biết: Đối với những diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần như mất trắng, không thể khắc phục được, chúng tôi khuyến cáo người dân cầy lật tất cả diện tích, sau đó sử dụng một số loại chế phẩm khử độc đất, tái sử dụng cây trồng làm phân bón hữu cơ để gieo trồng vụ đông. Những diện tích cứu được thì thoát nước và chú ý phòng trừ sâu bệnh, như: rầy lâu, bạc lá, khô vằn ở lúa; còn rau màu thì chú ý bệnh nấm để phun phòng trừ. Ngoài ra, bà con cần bổ sung thêm phân chuồng, phân lân để cây phục hồi bộ rễ với những diện tích có thể cứu vãn được.

Người dân xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) tranh thủ thời tiết nắng ráo thu hoạch diện tích lúa bị đổ do bão.
Người dân xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) tranh thủ thời tiết nắng ráo thu hoạch diện tích lúa bị đổ do bão.

Tập trung rà soát để hỗ trợ kịp thời

Để kịp thời động viên người dân, ngay sau cơn bão, TP. Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương rà soát cụ thể những thiệt hại về hạ tầng; vật nuôi, diện tích lúa, rau màu…, đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ theo quy định. Ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn - một trong những địa phương bị ảnh hưởng lớn bởi mưa bão, cho biết: Ngoài lúa, rau màu, Cao Ngạn có gần 40 trang trại, gia trại (chiếm khoảng 50% tổng số trang trại, gia trại trên địa bàn) chăn nuôi lợn, gà bị ảnh hưởng, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 15 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của UBND TP. Thái Nguyên, địa phương đã cơ bản thống kê thiệt hại xong tại các xóm và những hộ đủ điều kiện đề nghị thành phố hỗ trợ.

Còn tại xã Huống Thượng, địa phương cũng hoàn thành việc kiểm đếm thiệt hại và niêm yết công khai danh sách tại nhà văn hóa các xóm. Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng, thông tin: Theo quy định, những diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại từ 30% trở lên; các hộ chăn nuôi có đăng ký quy mô với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng mới đủ điều kiện hỗ trợ. Trên cơ sở này, địa phương đã rà soát, phân loại, dán niêm yết tại từng xóm. Theo đó, xã đề nghị hỗ trợ thiệt hại gần 550 triệu đồng với diện tích lúa, rau màu bị ảnh hưởng.

Theo đại diện phòng chuyên môn của TP. Thái Nguyên, các quy định về nội dung, mức hỗ trợ và trình tự thực hiện đều căn cứ theo Quyết định số 4157/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh.

Dựa trên quy định này, sau khi có kết quả rà soát, TP. Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương niêm yết công khai danh sách các hộ bị ảnh hưởng đủ điều kiện hỗ trợ tại cơ sở trong thời gian 15 ngày. Sau khi phê duyệt phương án hỗ trợ, UBND thành phố tiếp tục niêm yết công khai, thể hiện sự minh bạch trong công tác hỗ trợ thiệt hại.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả mưa bão. Theo đó, các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, như: Cơ cấu lại thời gian trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão theo quy định hiện hành. Qua rà soát của các tổ chức tín dụng, có trên 7.200 khách hàng, với tổng dư nợ trên 3.500 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Trước chỉ đạo trên, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã quyết định giảm lãi suất (từ 0,5-2%/năm) cho cả khách hàng vay cũ và vay mới; giãn, hoãn, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho khách hàng hiện hữu và vay mới trong khoảng thời gian từ tháng 9-2024 đến hết năm. Một số ngân hàng còn xây dựng các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp để khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, ngay trong tháng 9 đã tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị thiệt hại do bão số 3 gây ra đến hết 31/12/2024. Cùng với đó là thực hiện rà soát, tổng hợp khách hàng bị ảnh hưởng để xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với món vay bị ảnh hưởng, thiết lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro cho khách hàng bị ảnh hưởng theo đúng quy định.

Riêng trên địa bàn TP. Thái Nguyên, qua rà soát có 23 trường hợp, với dư nợ trên 1,2 tỷ đồng bị ảnh hưởng đủ điều kiện được khoanh nợ trong 3 năm, không phải trả lãi.

Đối với lĩnh vực thuế, Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn pháp luật về thuế, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Theo đó, đối với các tổ chức, doanh nghiệp (tùy theo mức độ ảnh hưởng của thiên tai) sẽ được gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn giảm thuế tài nguyên và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…

Các hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng do thiên tai cũng được giảm thuế và gia hạn nộp thuế. Chi cục Thuế đã hướng dẫn người nộp thuế chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục, chứng từ liên quan xác định giá trị thiệt hại… để làm căn cứ áp dụng chính sách thuế.