Phòng cháy mùa hanh khô

Nguyễn San 09:22, 10/11/2024

Hiện nay, tình hình cháy, nổ trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Với tỉnh Thái Nguyên, từ tháng 9-2024 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 21 vụ cháy nhỏ, gây thiệt hại về tài sản ước trên 2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sơ suất, bất cẩn trong việc sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt gây cháy.

Thái Nguyên tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.
Thái Nguyên tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa đông năm nay đến sớm, khí hậu hanh khô, rét đậm, rét hại sẽ kéo dài ở miền Bắc. Theo đó, nhu cầu sử dụng điện, sử dụng lửa trong sinh hoạt sẽ tăng cao. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình tập trung cao độ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân mới, chính vì thế, nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ sẽ gia tăng dịp này.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ xảy ra trong mùa hanh khô, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định cũng như chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo chức năng nhiệm vụ, không để sự cố cháy, nổ xảy ra tại trụ sở làm việc và các đơn vị trực thuộc.

Tỉnh giao chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo giải quyết dứt điểm các dự án, công trình tồn tại, vi phạm chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC có liên quan đến vi phạm đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Đối với những cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích, nơi tập trung đông người, chung cư, nhà trọ, nhà cao tầng, kho tập kết hàng hóa, địa điểm bắn pháo hoa, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội... cần tiến hành kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên, đột xuất.

Cùng với đó, chủ động kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn như: nguồn nước chữa cháy, giao thông phục vụ chữa cháy, không để tình trạng nhân dân dựng các barie, ụ bê tông tại các khu dân cư, đường giao thông làm cản trở hoạt động chữa cháy…

Các xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho người dân; vận động các gia đình có nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh mở lối thoát nạn thứ 2.

Với lực lượng chức năng, tỉnh yêu cầu phải tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý nhà nước về PCCC, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân cháy nổ xảy ra chủ yếu do chủ quan, bất cẩn nên công tác kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở phải được tăng cường, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở, địa điểm có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đặc biệt, vào dịp Tết cần kiểm tra kỹ lưỡng, thường trực đảm bảo an toàn PCCC các địa điểm bắn pháo hoa, tổ chức văn hóa, văn nghệ, lễ hội phục vụ nhân dân vui tết, đón xuân. Tăng cường các biện pháp phòng, chống việc đốt pháo nổ và thả “đèn trời” trong dịp này.

Các lực lượng chức năng phải thường trực, sẵn sàng lực lượng phương tiện, phương án xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra. Thường xuyên luyện tập, củng cố các phương án cứu người, chữa cháy lớn, phức tạp như chữa cháy tại các nhà ống mặt phố, chữa cháy tại các ngõ, hẻm mà xe chữa cháy không tiếp cận được, chữa cháy trong tình trạng nhiều khói khí độc, cứu người bị mắc kẹt trong đám cháy, trên cao, tai nạn giao thông...



bảo dưỡng pccc baoduongpccc.com