Trong hai ngày 9 và 10-12, Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV được tổ chức. Đây là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung quan trọng, tác động đến nhiều nhóm đối tượng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Để tìm hiểu rõ hơn về các nội dung của Kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại Hội nghị thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 23 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh. |
P.V: Nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp này là kết quả giám sát (GS) việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 19 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đồng chí có thể thông tin rõ hơn về kết quả GS trong lĩnh vực này?
Đ.c Mai Thị Thúy Nga: Với mục tiêu mọi ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, đúng thẩm quyền của cử tri đều được xem xét, giải quyết, năm 2024, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác tiếp thu, tổng hợp, phân loại, theo dõi, đôn đốc, GS việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Trên cơ sở khảo sát thực tế tại nơi cử tri kiến nghị, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên GS, giải trình về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp của HĐND tỉnh. Kết quả GS cho thấy, 100% ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh tiếp thu và trả lời đầy đủ, cơ bản đúng trọng tâm, có phương án, lộ trình giải quyết cụ thể; các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Đến nay, UBND tỉnh đã giải quyết xong hoặc giải trình thông tin đến cử tri đạt 71,7% tổng số ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, tăng 6,86% so với kỳ giữa năm (64,84%); tăng 3,78% so với kỳ cuối năm 2023 (67,92%).
Nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp đã được giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Những năm qua, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động khảo sát, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |
P.V: Năm 2024, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh không đạt được như kỳ vọng. Vậy HĐND tỉnh đã thể hiện vai trò như thế nào để đồng hành với UBND tỉnh phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của năm cũng như cả giai đoạn 2021-2025, thưa đồng chí?
Đ.c Mai Thị Thúy Nga: Là một tỉnh có độ mở kinh tế lớn, năm 2024, Thái Nguyên tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và trong nước, tác động của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự đồng hành, GS của HĐND tỉnh; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, sâu sát, sáng tạo của UBND tỉnh; sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn. Mặc dù, một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn ở mức cao.
Đóng góp vào "bức tranh" chung phát triển của tỉnh, có sự đồng hành của HĐND tỉnh, thông qua các hoạt động cụ thể như: HĐND tỉnh đã và đang tiếp tục làm tốt chức năng quyết định, đã tổ chức thành công 6 kỳ họp, ban hành 66 nghị quyết, là những nội dung quan trọng, có tác động tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội.
Đặc biệt, sự đồng hành còn được thể hiện rõ nét hơn khi có kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh chỉ quyết định “một vấn đề” để kịp thời giải quyết ngay, giải quyết sớm, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
HĐND tỉnh tiếp tục linh hoạt, đổi mới, sáng tạo cả về phương thức, hình thức GS, kết hợp giữa GS với tổ chức phiên chất vấn, phiên giải trình để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, địa phương; cũng như không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Năm 2024, HĐND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh đã tổ chức 12 cuộc GS chuyên đề, kịp thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế và kiến nghị giải pháp cụ thể, cùng UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tại công trình giao thông Dự án 4 trên địa bàn huyện Phú Bình. |
P.V: Đồng chí có thể thông tin cho độc giả biết những nội dung trọng tâm sẽ được bàn thảo và thông qua tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV?
Đ.c Mai Thị Thúy Nga: Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận 48 nội dung do Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban của HĐND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình; thảo luận, thông qua 30 nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn với rất nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024; phân tích kỹ nguyên nhân, sự tác động tích cực, tiêu cực đối với nền kinh tế của tỉnh trong thời gian tới để thảo luận, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2025; xem xét phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030…
HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, quyết định một số cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai luật, nghị định và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên nhằm đẩy mạnh phân cấp, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời góp phần tạo động lực mới cho phát triển KT-XH, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Đại diện các ban của HĐND tỉnh khảo sát việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh tại TP. Phổ Yên. |
P.V: 2025 là năm cuối để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, dự báo tỉnh Thái Nguyên cũng như các địa phương khác sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trước bối cảnh chung và khối lượng công việc lớn, HĐND tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm tới, thưa đồng chí?
Đ.c Mai Thị Thúy Nga: 2025 là năm đặc biệt quan trọng, năm tạo đòn bẩy bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH theo nghị quyết đại hội đảng các cấp; cũng là năm làm tiền đề, cơ sở để Thái Nguyên cùng với cả nước bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Để cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, HĐND tỉnh xác định tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 như sau:
HĐND tỉnh tiếp tục đồng hành với UBND tỉnh trong ban hành các cơ chế, chính sách, giải quyết các công việc phát sinh để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động GS, tập trung thực hiện GS tại kỳ họp đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và các chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025, để đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc trong triển khai thực hiện.
Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết và giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2026”; nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân.
Với việc tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trên, HĐND tỉnh Thái Nguyên quyết tâm cùng UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị vượt qua khó khăn, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH trong nhiệm kỳ 2021-2025.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin