Theo thống kê của ngành Giao thông - Vận tải Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh có 2 điểm đen giao thông và 39 điểm bất cập về tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đến nay, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xử lý được một phần các điểm bất cập về tổ chức giao thông, đồng thời tiếp tục có giải pháp giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Lực lượng chức năng tiến hành đóng điểm mở trái phép trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: TL |
Thời gian qua, sau khi rà soát phát hiện và xác định rõ các điểm đen giao thông và các điểm bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố trên địa bàn tiến hành xử lý theo thẩm quyền. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã xử lý xong 1 điểm đen giao thông tại km138 đến Km139 trên tuyến Quốc lộ 1B, đồng thời báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải cho xử lý nốt điểm đen còn lại tại Km147+700 đến km151 trên tuyến Quốc lộ 37.
Các điểm bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh do Sở Giao thông - Vận tải quản lý, cũng đang được tiến hành xử lý theo quy định. Cụ thể, 8 vị trí trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được xử lý 3 vị trí; còn 5 vị trí sẽ báo cáo Bộ chủ quản và Cục Đường bộ Việt Nam để xử lý trong năm nay và năm 2026. Đối với 10 vị trí trên các tuyến đường tỉnh, cơ quan chức năng đã xử lý được 1 trường hợp, còn 9 vị trí khác, Sở Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp với Sở Tài chính sắp xếp theo thứ tư ưu tiên để báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí xử lý trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Cùng với xử lý điểm đen, điểm bất cập về giao thông, thời gian qua, ngành Giao thông - Vận tải đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông tại khu vực 59 trường học trên 4 tuyến Quốc lộ chạy qua tỉnh do Bộ Giao thông - Vận tải ủy thác quản lý, gồm: 16 trường gần Quốc lộ 1B, 22 trường gần Quốc lộ 37, 10 trường gần Quốc lộ 17 và 11 trường gần Quốc lộ 3C. Ngành chủ quản cũng đã đánh giá việc phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành, đề xuất phương án sữa chữa, tổ chức lại giao thông ở các khu vực này. Ngoài ra, còn phối hợp với Văn phòng quản lý đường bộ I.5 tiến hành đóng 4 điểm mở trái phép trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên…
Trong thời điểm mùa mưa bão, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên, tích cực chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng chống bão, lũ đảm bảo giao thông trên tất cả các tuyến đường. Trong đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống bão lũ, có biện pháp xử lý kịp thời không để ách tắc giao thông. Phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt, đường thủy nội địa và các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Thường trực cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, đoạn đường bị đứt, sạt lở…, kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nhằm đảm bảo an toàn, đồng thời tiến hành khắc phục sự cố do bão, mưa, lũ gây ra. Trong năm 2024, cơ quan quản lý đã kiểm tra, rà soát 86 cây cầu bắc qua sông, suối trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt là cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm…
Ngoài ra, ngành Giao thông - Vận tải còn thực hiện tốt chức năng quản lý bảo trì, bảo dưỡng mạng lưới đường giao thông; quản lý hành lang an toàn đường bộ; kịp thời khắc phục các hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt. Cùng với đó, tổ chức rà soát, thống kê bổ sung kịp thời hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, sơn vạch kẻ đường, cọc tiêu, hộ lan. Thực hiện nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông tại trung tâm các đô thị, các khu công nghiệp…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin