Sắc Xuân đang len lỏi trên từng con phố, mỗi miền quê. Trên các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, không khí lao động cũng trở nên hối hả, nhộn nhịp hơn khi các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm về đích, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Theo kế hoạch, tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành trước ngày 31/3/2025. |
“Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”
22 giờ đêm ngày cận Tết Nguyên đán, trên đại công trường thi công cầu vượt Sông Công, thuộc Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (gọi tắt là Tuyến đường liên kết vùng), tiếng máy móc vẫn nhộn nhịp. Dưới ánh điện, các tổ, đội công nhân cùng đội ngũ kỹ sư tỉ mỉ thực hiện từng mũi hàn cốt thép, đúc cấu kiện, khung dầm cầu… Không khí thi công ở mọi vị trí đều tất bật, khẩn trương. Hàng trăm công nhân, kỹ sư đang miệt mài làm việc.
Ông Lê Vĩnh Khang, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tuyến đường liên kết vùng (thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh): Năm nay, thời tiết mưa nhiều khiến tiến độ thi công một số gói thầu của Dự án bị ảnh hưởng. Vì vậy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu huy động tối đa nhân công, máy móc thiết bị, tổ chức thi công liên tục “3 ca, 4 kíp”, với tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, quyết tâm hoàn thành Dự án đúng tiến độ.
Với tổng mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng, Tuyến đường liên kết vùng là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuyến đường có chiều dài 42,55km chạy qua địa bàn TP. Phổ Yên (33,45km) và huyện Đại Từ (9,1km) có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các địa phương lân cận.
Đến nay, sau hơn 2 năm khởi công (từ tháng 5-2022), Dự án Tuyến đường liên kết vùng đã hoàn thành thành trên 70% tổng khối lượng. Trong đó, hạng mục nền đường đạt 93%; móng đường cấp phối đá dăm đạt 77%; mặt đường bê tông nhựa đạt 47%; ba cây cầu lớn gồm: cầu vượt đường sắt đạt 73%, cầu vượt Quốc lộ 3 đạt 61%, cầu vượt Sông Công đạt 54%; các hạng mục khác (hệ thống thoát nước; hầm chui, an toàn giao thông; cây xanh, vỉa hè....) đạt 90% khối lượng. Chủ đầu tư và các nhà thầu phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án trước ngày 31/3/2025, vượt 9 tháng so với tiến độ được phê duyệt. |
Tăng tốc về đích
Theo kế hoạch, ngay trong quý I/2025, nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh sẽ phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, ngoài việc tăng ca, tăng kíp để “bù tiến độ”, chủ đầu tư và các nhà thầu cũng đang nỗ lực triển khai những biện pháp thi công trong giai đoạn “nước rút".
Sau hơn 2 năm thi công (từ tháng 12-2022 đến nay), Sân vận động Thái Nguyên được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế đã hiện hữu. |
Đối với Dự án xây dựng Sân vận động tỉnh, ngay sau khi hoàn thiện phần thô, các nhà thầu đã bắt tay ngay vào triển khai những hạng mục hoàn thiện, như: Trồng cỏ, lắp đặt hệ thống tưới tự động; mái che; đèn chiếu sáng; ghế ngồi; sơn lan can các khán đài; thiết bị phòng cháy, chữa cháy…
Kỹ sư Phan Trọng Nhất, Phó Chỉ huy công trường Công ty CP Licogi 13: Mặc dù Tết nguyên đán cận kề, nhưng với quyết tâm hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trong quý I/2025 (trước 6 tháng so với kế hoạch), chúng tôi vẫn nỗ lực làm việc không có ngày nghỉ để thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư về tiến độ cũng như bảo đảm yếu tố kỹ, mỹ thuật. Hiện tại, đơn vị đang bố trí hàng chục loại máy móc chuyên dụng, lựa chọn những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao để tập trung thi công giai đoạn “nước rút”…
Dự án Sân vận động tỉnh có tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô 22.000 chỗ ngồi có mái che, có đường pitch bao quanh với 8 đường chạy vòng, 10 đường chạy thẳng. Bên trong sân vận động còn có các khu vực thi đấu nhiều môn thể thao khác, như: Nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ… Sau 2 năm thi công (từ tháng 12-2022), đến nay, "hình hài" sân vận động hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế của Thái Nguyên đã hiện hữu.
Thi công thảm nhựa những mét mặt đường cuối cùng thuộc gói thầu số 1 Dự án đường Vành đai V, đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (nối huyện Phú Bình với tỉnh Bắc Giang). |
Đối với Dự án đường Vành đai V, đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (nối huyện Phú Bình với tỉnh Bắc Giang), tuyến đường đã cơ bản thông tuyến trước Tết để phục vụ ng dân đi lại. Hiện các đơn vị thi công vẫn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hạng mục còn lại.
Kỹ sư Nguyễn Văn Trường, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải: Sau khi thảm nhựa, đơn vị đang tiến hành lắp đặt hệ thống biển cảnh báo, sơn vạch kẻ đường… để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân lưu thông.
Cùng với các dự án nêu trên, những công trình, dự án trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành theo kế hoạch, như: Dự án Trụ sở làm việc khối các cơ quan tỉnh; tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; tuyến đường kết nối Quốc lộ 37 và ĐT.269B; tuyến đường nối ĐT.261 - ĐT.266 (giai đoạn 1)...
Một mùa Xuân mới mang theo niềm tin và ước vọng. Khí thế thi đua lao động sản xuất trên các công trình, dự án trọng điểm đã góp phần tô điểm thêm hương sắc mùa Xuân tràn ngập khắp muôn nơi. Tin tưởng rằng, các công trình, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư. Từ đó tạo đà để Thái Nguyên có những bước phát triển bứt phá trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin