Bài học từ các vụ cháy rừng

Nguyễn San 08:47, 30/03/2025

Gần đây, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thái Nguyên liên tục xảy ra các vụ cháy rừng, gây thiệt hại kinh tế và tác động xấu tới môi trường. Các chuyên gia cho rằng, sự bất cẩn, chủ quan của người dân, sự thiếu kiểm soát của cán bộ cơ sở cộng với thời tiết hanh khô, thảm thực bì dày là nguyên nhân gây ra tình trạng cháy rừng.

Lực lượng chức năng và người dân nỗ lực dập tắt đám cháy rừng tại xóm Trại Vải, xã Đức Lương (Đại Từ), rạng sáng 23-3. Ảnh: TL
Lực lượng chức năng và người dân nỗ lực dập tắt đám cháy rừng tại xóm Trại Vải, xã Đức Lương (Đại Từ), rạng sáng 23-3. Ảnh: TL

Cháy rừng là vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đau đầu trong công tác quản lý, bảo vệ và ứng phó. Đã có rất nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng từ sớm, từ xa được áp dụng, song hàng năm tình trạng cháy rừng vẫn chưa thể thuyên giảm. Nhiều vụ cháy rừng kéo dài đã gây thiệt hại lớn, thậm chí trở thành khủng hoảng đối với một số quốc gia. Không ít bài học kinh nghiệm trong phòng, chống cháy rừng được đúc kết, chỉ ra.

Cách nay chưa lâu, tại hai huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên là Định Hóa và Đại Từ đã để xảy ra cháy rừng ở một số vị trí với diện tích thiệt hại hàng chục héc-ta. Lực lượng chức năng sau khi phát hiện đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và nỗ lực không ngừng mới có thể khống chế được ngọn lửa lan ra diện rộng.

Toàn bộ diện tích rừng được khoanh lại đều bị thiêu rụi, không thể dập tắt do lửa đã bùng phát lớn, địa hình rừng núi phức tạp, lực lượng chức năng mỏng, khó tiếp cận. Dù chưa biết chính xác nguyên nhân gây cháy rừng, nhưng theo nhận định của chính quyền sở tại, khả năng cao do người dân bất cẩn trong đốt nương, làm rẫy, xử lý thực bì.

Qua các vụ cháy rừng vừa qua, đã lộ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ. Các chuyên gia cho rằng, vào mùa hanh khô chính quyền địa phương cần phải lập chốt kiểm soát người ra vào ngay từ cửa rừng. Nếu kiểm soát tốt sẽ tránh được tình trạng người dân, du khách mang đồ dễ cháy vào rừng hoặc hút thuốc, nấu nướng trong rừng. Cần phải có hướng dẫn cẩn thận người dân trong việc xử lý thực bì bằng biện pháp dùng lửa đốt để tránh cháy lan, khó kiểm soát.

Trong công tác chữa cháy, ngoài huy động lực lượng tại chỗ cần trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy hiệu quả như máy thổi lửa, máy cưa xăng để nhanh chóng tạo đường băng cản lửa. Thực tế ở nhiều địa phương, khi xảy ra cháy rừng, người dân chủ yếu dùng cành cây và một số vật dụng thông thường để dập lửa nên hiệu quả không cao. Đối với các khu vực rừng dễ cháy, cần phải có thiết kế, chuẩn bị trước các đường băng cản lửa, để không bị động khi tình huống xấu xảy ra. Cũng theo các chuyên gia, cần phải chủ động ngăn chặn cháy rừng từ sớm thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. Cần thiết phải tăng cường tuần tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn trong phòng, chống cháy rừng…

Với Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở, kiểm soát chặt việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng. Rà soát cập nhật và hoàn thiện phương án phòng, cháy chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được phát hiện; tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện xửa lý điểm cháy, đặc biệt chú ý công tác sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, cần xác định rõ nguyên nhân khi xảy ra cháy rừng, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra cháy rừng. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.