Dù năm 2024 không xảy ra vụ cháy rừng nào nhưng chỉ trong tháng 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy rừng ở Đức Lương (Đại Từ) và Phú Đình (Định Hóa), khiến cho trên 17ha rừng sản xuất và rừng tự nhiên bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, diễn biến thời tiết năm nay khó lường, có nguy cơ nắng nóng, hạn hán kéo dài nên dù đã là cuối mùa khô, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn cần được tăng cường.
![]() |
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng cần được quan tâm nhiều hơn. |
Theo nhận định của các hộ dân trồng rừng, mùa xuân năm nay, trời ít mưa và độ ẩm không khí thấp hơn mọi năm. Đây chính là nguy cơ cao nhất khiến cho cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, không ít hộ dân vẫn đang phát dọn nương bãi, trồng rừng. Thời tiết khô hanh, nếu xử lý thực bì không cẩn trọng, thiếu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) có thể gây cháy lan ra diện rộng…
Rừng đóng một vị trí quan trọng trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Không chỉ là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sinh thái, rừng còn mang lại nguồn thu không hề nhỏ cho người dân. Năm 2024, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đạt 729 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên: Toàn tỉnh hiện có 183.000ha rừng, trong đó có 62.000ha rừng tự nhiên, số còn lại là rừng trồng (chủ yếu là keo, bạch đàn, bồ đề…).
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết vào thời điểm cuối mùa khô như hiện nay, tỉnh Thái Nguyên cũng đã yêu cầu các cấp, ngành chức năng phải đề cao cảnh giác, chủ động làm tốt công tác PCCCR. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải xác định nhiệm vụ PCCC, trong đó có PCCCR là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CHCN).
![]() |
Thái Nguyên luôn chủ động phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng. |
Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về công tác PCCCR cũng cần được đẩy mạnh với nhiều hình thức tuyên truyền, khuyến cáo phong phú qua các phương tiện thông tin đại chúng; nền tảng mạng xã hội; hệ thống thông tin cơ sở… trong đó tập trung cảnh báo về nguy cơ cháy rừng. Các cấp, ngành chức năng cần làm tốt công tác tăng cường phổ biến pháp luật về PCCC, PCCCR, các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt là tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách PCCCR; tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất an toàn PCCCR, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCCR; rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng đối với các tình huống cháy rừng có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
PCCCR là nhiệm vụ cần được đẩy mạnh thường xuyên, đòi hỏi phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi vậy, để công tác PCCCR đạt kết quả tốt nhất, góp phần bảo vệ tài sản của người dân, tài nguyên thiên nhiên, hơn lúc nào hết, các cấp, ngành chức năng và cả người dân phải có sự chủ động phòng bị từ sớm, từ xa; coi trọng việc phòng hơn chống…
Song song với đó, tích cực huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng tổ chức chữa cháy, CNCH hiệu quả, kịp thời tại địa bàn, cơ sở khi có cháy rừng, tai nạn, sự cố xảy ra. Duy trì công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy, CHCN; chuẩn bị các điều kiện về lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy, CHCN khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án khảo sát, dự kiến một số tình huống cháy nổ, sự cố về PCCC và CNCH có thể xảy ra và biện pháp, phương án để giải quyết…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin