Đổi mới đào tạo theo nhu cầu của xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

16:29, 11/09/2013

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 269/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, do Bộ tổ chức ngày 11-9.

Hội nghị thu hút trên 500 đại biểu đại diện cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) và lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh tham dự tại 6 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Tại điểm cầu Thái Nguyên được tổ chức tại Trung tâm Học liệu (ĐH Thái Nguyên) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và lãnh đạo Sở GD&ĐT của 9 tỉnh khu vực phía Bắc.


Báo cáo đánh giá của Bộ GD&ĐT khẳng định: Trong 3 năm qua, hệ thống các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã phát triển rộng về quy mô, chất lượng đào tạo được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập trong xã hội. Hệ thống các trường đã được xây dựng, phát triển theo đúng quy hoạch của các vùng; việc tổ chức thi và xét tuyển đầu vào được chuẩn hóa. Ngành GD&ĐT cũng đã thực hiện phân cấp quản lý về giáo dục theo hướng tách quản lý Nhà nước với quản lý chuyên môn. Đặc biệt, trong 3 năm qua, ngành đã triển khai hiệu quả việc cho sinh viên vay vốn hỗ trợ học tập (với trên 2,4 triệu sinh viên được vay); xây dựng mới trên 320 nghìn chỗ ở ký túc xá cho sinh viên nội trú…


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hệ thống các trường ĐH, CĐ trong cả nước cần tiếp tục tập trung đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các đại biểu tham dự cũng đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để góp phần đổi mới toàn diện trong quản lý giáo dục đại học, như: Bộ GD&ĐT cần rà soát lại và thống nhất cơ chế quản lý giữa các trường ĐH trực thuộc Bộ và những trường do các Bộ, ngành khác hoặc địa phương quản lý; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các trường, đồng thời có những đánh giá, chế tài xử lý khi có dấu hiệu vi phạm các quy định hoặc với các trường không đủ năng lực đào tạo. Về vấn đề chất lượng đào tạo, đề nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế kiểm tra và thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng (như trình độ tin học, ngoại ngữ, chuẩn chất lượng đầu ra của sinh viên), tránh sự phân biệt giữa các sinh viên cùng ngành nhưng khác trường đào tạo. Về góc độ quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường, các địa phương và nhà tuyển dụng (trong và ngoài nước) cần có sự thống nhất về quy hoạch và định hướng ngành nghề đào tạo mang tính dài hạn, tránh tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Đối với các trường đại học vùng, khu vực cần có sự đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực thì mới đáp ứng được nhu cầu đào tạo của xã hội…