"Thời cơ và thách thức trong thế giới kỹ thuật số” là nội dung thảo luận hôm 29/10 tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU GA 50), đang diễn ra ở Hà Nội. Bước vào kỷ nguyên công nghệ số là cơ hội và cũng là thách thức trực tiếp, đòi hỏi những người làm phát thanh truyền hình phải luôn năng động, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của công chúng.
Thách thức và cơ hội trong thời đại bùng nổ công nghệ kỹ thuật số đều được nhắc đến trong tất cả các phiên thảo luận, các diễn đàn trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương năm nay. Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông xã hội đã mang đến rất nhiều tiện ích. Đó là sự kết nối và xóa bỏ mọi khoảng cách về không gian và thời gian. Công nghệ hiện đại mang đến cơ hội để tất cả mọi người trên thế giới tiếp cận truyền thông dễ dàng hơn và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền thông.
Ngay chủ đề của Kỳ họp Đại hội đồng Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương năm nay cũng đã nhấn mạnh đến chủ đề “Phục vụ khán giả trong kỷ nguyên số”. Phiên họp hôm nay là cuộc thảo luận tập trung và chuyên sâu nhất của những nhà quản lý, những người làm phát thanh truyền hình trong khu vực và thế giới về “Thời cơ và thách thức trong thế giới kỹ thuật số”. Các đại biểu tham gia phiên họp nhấn mạnh rằng: nếu không bắt kịp với công nghệ, thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Đây là một trong những thách thức lớn nhất với phát thanh truyền hình trong kỷ nguyên công nghệ số.
Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Nepal Deepak Mani Dhital cho biết: “Chúng tôi sẽ hoàn thiện trang bị công nghệ kỹ thuật số cho các hoạt động của mình trong những năm tới. Chúng tôi hiểu rõ những thách trong kỷ nguyên công nghệ, song chúng tôi cũng tận dụng được tiện ích của công nghệ mới để phát triển. Có rất nhiều khó khăn với một tổ chức truyền thông truyền thống như chúng tôi. Chúng tôi không chỉ có kế hoạch triển công nghệ, mà bên cạnh đó, chúng tôi đang thúc đẩy hợp tác của mọi lĩnh vực truyền thông, cũng như tăng cường công tác quản lý và các kế hoạch truyền thông”.
Một vấn đề được đặt ra là các tổ chức phát thanh truyền hình phải làm sao để tận dụng công nghệ và truyền thông xã hội, góp phần tiếp cận lớn hơn với thế hệ trẻ, là thế hệ khán thính giả tương lai. Theo quan điểm của ông Robert Bole, Giám đốc sáng tạo của Bộ phận truyền thông quốc tế, Đài Tiếng nói nước Mỹ, thu hút khán thính giả, đặc biệt là giới trẻ, mới chính là thách thức lớn của phát thanh truyền hình trong thời đại hiện nay: “Khán thính giả ngày càng có ảnh hưởng và có quyền năng, thông qua truyền thông xã hội và với hỗ trợ từ công nghệ hiện hại như điện thoại thông minh. Không hiểu được khán thính giả, không biến họ thành đối tác của mình, thì các tổ chức phát thanh truyền hình sẽ không thể thu hút khán giả trong tương lai. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về công nghệ, những người làm truyền hình cũng phải hướng tới khán thính giả nhiều hơn, hãy tin tưởng, hãy trở thành đối tác và hiểu rõ khán thính giả của mình”-ông Robert Bole nói.
Sự tích hợp phát thanh truyền hình với internet, điện thoại di động thông minh và các thiết bị công nghệ hiện đại chính là giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề này. Song nó cũng đòi hỏi sự đầu tư công nghệ từ các tổ chức phát thanh truyền hình và đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ số./.