Chủ tịch nước gửi Thư khen các gia đình dũng cảm cứu người trong vụ cháy tàu cánh ngầm

16:52, 06/02/2014

Ngày 5/2, đại diện UBND T.P Hồ Chí Minh đã đến tận nơi trao Thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bằng khen của UBND T.P Hồ Chí Minh cho gia đình ông bà Ngô Văn Hồng, ngụ tại ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An và gia đình ông bà Trần Văn Có, ngụ tại ấp 5, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang vì đã dũng cảm cứu hàng chục người gặp nạn trong vụ cháy tàu cánh ngầm Vina Express - SG 3837 vào ngày 20/1 trên sông Sài Gòn.  

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương các gia đình nói trên đã không quản nguy hiểm, dũng cảm dùng xuồng của mình, phương tiện mưu sinh của người làm nghề sông nước, cứu được hàng chục người gặp nạn, trong đó có nhiều người nước ngoài, trong vụ cháy tàu cánh ngầm trên sông Sài Gòn ngày 20/1/2014. Việc cứu giúp người trong sáng, vô tư đó góp phần làm sáng thêm truyền thống nhân ái, thương yêu người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam, làm đẹp thêm hình ảnh người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

 

 

Cùng với Thư khen của Chủ tịch nước, ngày 25/1, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định tặng Bằng khen cho gia đình ông bà Ngô Văn Hồng và gia đình ông bà Trần Văn Có kèm theo tiền thưởng 10 triệu đồng cho mỗi gia đình.

 

Nhận Thư khen của Chủ tịch nước và Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh, đại diện hai gia đình đã xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo chính quyền nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có những quan tâm, động viên kịp thời.

 

Đại diện chính quyền nơi hai hộ gia đình cư ngụ cũng bày tỏ niềm vinh dự khi có được các công dân mẫu mực về đạo đức và đầy lòng nhân ái, sẵn sàng xả thân cứu người lúc lâm nạn.

 

Chị Huỳnh Thị Nhan, vợ của anh Ngô Văn Hồng xúc động: “Khi được tin Chủ tịch nước có Thư khen, tôi mừng dữ lắm, sáng đêm không ngủ được”. Chị Nhan nhớ lại: “Lúc ghe đang đổi nước thì tôi thấy tàu cháy, liền kêu chồng đề máy chạy lên, tới đó thấy Công an có mặt và đã phụ vớt, kéo người. Vớt được người rồi tôi thấy rất mãn nguyện, thầm mong đừng có người nào thất thoát. Việc giúp người là vô tư, tôi không hề nghĩ sẽ được đền ơn hay khen thưởng gì cả”.

 

Ông Ngô Văn Hồng tâm sự: “Cứu người là cao cả nhất, mạng con người là lớn nhất nên khi cách tàu cháy 300m, tôi liền gọi con trai đến để cứu người. Lúc đó, tôi không để ý là tàu cánh ngầm đang bốc cháy dữ dội, rất nguy hiểm nếu ghe đậu quá gần mà chỉ biết cứu người, vợ một bên, tôi và con một bên cứ thế mà vớt, mà kéo người lên”.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, vợ ông Trần Văn Có xúc động kể lại: “Ghe của tôi đang bán tạp hóa trên sông Sài Gòn cho các xà lan thì thấy tàu cánh ngầm bốc cháy. Tôi lập tức kêu chồng tới liền. Lúc đó, sợ nước lớn người ta chết nên mặc dù không biết bơi nhưng tôi vẫn cố gắng kéo người lên. Cứu xong, vợ chồng tôi còn giúp lực lượng chức năng cột dây, cột đồ tàu cánh ngầm. Đi đường sông, gặp cái gì là cứu chung, không phải riêng chuyện này đâu. Máy người ta chết giữa sông cũng chạy tới kéo người ta vô. Khi cứu người, thực sự chúng tôi không hề có ý nghĩ được đền ơn hay khen thưởng gì hết cả”.

 

Ông Lê Công Thức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an T.P Hồ Chí Minh cho biết: Khi xảy ra sự vụ tàu cánh ngầm bị cháy, cùng với lực lượng chức năng, một số gia đình làm nghề thuyền chài đã không ngại hiểm nguy tham gia cứu người, trong đó gia đình anh Ngô Văn Hồng cứu được 50 người, gia đình anh Trần Văn Có cứu được 15 người. Cứu xong, hai gia đình còn đưa người gặp nạn vào bờ an toàn, trong đó có nhiều người nước ngoài và cùng chúng tôi giải quyết vấn đề còn lại để bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông. Tình người và sự dũng cảm của họ đáng được xã hội ghi nhận và tôn vinh.