Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo các quy định của pháp luật hiện hành, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Sự kiện Mt.Gox đột nhiên biến mất hoàn toàn khỏi Internet từ ngày 25/2 và tiếp theo là ngày 26/2, Mt.Gox - Sàn giao dịch bitcoin lớn thứ ba thế giới, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) - tuyên bố trên trang web của họ về việc ngừng mọi hoạt động giao dịch trong một thời gian không xác định, khiến các nhà đầu tư kêu gào: “Tiền của chúng tôi đâu?” (Mt.Gox! Where is our money?) đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việc đưa tin kéo dài và có phần tập trung của một số tờ báo về việc sự kiện Mt.Gox khiến nhiều người Việt Nam biết hơn về đồng tiền này, dù hiện nay việc hiểu biết, khai thác, sử dụng và quản lý cộng đồng sử dụng đồng tiền điện tử bitcoin tại Việt Nam mới chỉ hạn chế trong một số nhóm người ít ỏi.
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro khác nhau cho người sử dụng bitcoin như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Na Uy...
Tuy nhiên, Chính phủ và ngân hàng trung ương của một số nước vẫn lưỡng lự trong việc ra một tuyên bố rõ ràng (cấm hay không cấm sử dụng loại tiền này).
Đức, Singapore, Canada... vẫn cho phép sử dụng bitcoin trong một giới hạn nhất định. Đáng chú ý là các quốc gia chỉ thể hiện thái độ qua các thông báo, mà chưa đưa ra quy định pháp lý rõ ràng về đồng tiền bitcoin.
Không phải bỗng dưng mà bitcoin được chấp nhận, phát triển nhanh chóng về quy mô và giá trị. Đồng tiền này có vẻ như là một phương tiện tương thích với thương mại điện tử, giảm các chi phí trung gian (phát hành và đưa vào lưu thông), thuận lợi khi giao dịch (chỉ cần tài khoản và Internet), không chịu sự kiểm soát của tổ chức hay cá nhân nào, nên không sợ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các tổ chức phát hành.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, đồng tiền nhiều quốc gia bất ổn thì việc tích trữ, đầu tư bitcoin cũng là một kênh được lựa chọn.
Tuy nhiên, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.