Khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng nhanh

09:52, 29/10/2015

Theo Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia, Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index-GCI) của Việt Nam hiện nay đã tăng tới 12 bậc so với giai đoạn 2014-2015. Đây là kết quả công bố của Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015- 2016 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố.

Theo đó, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp thức 56/140 nền kinh tế đượcWEF khảo sát. So với mức khảo sát trong giai đoạn 2014- 2015, GCI của Việt Nam đã tăng 12 bậc. Đây được xem là mức tăng khá nhanh của Việt Nam trong thời gian qua. Tại khu vực Đông Nam Á, GCI của Việt Nam đứng thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippin. Về mức độ tăng, Việt Nam đạt nhanh nhất trong khu vực về chỉ số GCI. Các nước khác trong khu vực có Chỉ số GCI như sau: Malaysia tăng 2 bậc; Thái Lan giảm 1 bậc, Indonesia giảm 3 bậc… Nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực là Singapore hiện đứng thức 2 thế giới về GCI.

 

Báo cáo năng cáo cạnh tranh toàn cầu được thực hiện thường niên để đánh giá toàn cảnh về các yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Các tiêu chí đánh giá của WEF được xác định theo các nhóm chính: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); yếu tố nâng cao (giáo dục - đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hoá, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô môi trường); yếu tố về tinh vi - đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).

 

Trong các tiêu chí trên, Việt Nam được xếp cao nhất ở yếu tố căn bản, với 4,54 điểm, một số tiêu chí khác cũng có sự cải thiện như: kinh tế vĩ mô, độ hiệu quả của thị trường hàng hoá, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, khoa học công nghệ. Để tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015- 2016, trên các cơ sở đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) và xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của  Diễn  đàn kinh tế thế giới (WEF).

 

Mục tiêu của Việt Nam khi thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ là năm 2015 đạt năng lực cạnh tranh Quốc gia ngang hàng với các nước ASEAN-6 và năm 2016 phấn đấu đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế. Hiện nay tốp 10 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao nhất theo xếp hạng của WEF là: Thuỵ Sỹ, Singapore, Mỹ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Phần Lan, Thuỵ Điển, Anh.

 

Việc cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kế, đến cuối tháng 10 năm nay, Việt Nam đã có 1.657 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 12,42 tỷ USD, tăng 26,9% về số lượng dự án và tăng 24,8% về số lượng vốn so với cùng kỳ năm 2014.