Cơ hội để Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

14:00, 25/11/2015

Theo đánh giá của các chuyên gia và theo dõi của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt đầu tư ra nước ngoài với mục đích kinh doanh thì đây chính là cơ hội, hành lang pháp lý quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tìm hiểu và đầu tư ra nước ngoài sẽ tăng lên trong thời gian tới đây.

Nghị định số 83/2015/NĐ-CP với những quy định rất cụ thể, chi tiết về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chế độ tài chính, xác định địa điểm thực hiện dự án, thực hiện chế độ báo cáo, quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư khi đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài… thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn, đa dạng hơn. Bên cạnh đó việc thực hiện Nghị định số 83/2015/NĐ-CP cũng sẽ làm cho việc quản lý các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chặt chẽ hơn, hiệu quả vốn đầu tư sẽ có điều kiện phát triển do tiếp cận được các dự án có tính khả thi cao. Nghị định quy định rõ trách nhiệm về quản lý đầu tư ra nước ngoài thuộc về Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý Nhà nước về các hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong phạm vi, lĩnh vực được phân công.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thì thời gian qua, tình hình đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 102 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp mới, với số vốn 441,9 triệu USD. Ngoài ra còn có 53 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 192,8 triệu USD. Thị trường đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn được duy trì và phát triển tại các nước: Lào(9 dự án cấp mới, 9 dự án tăng vốn, tổng số vồn cấp mới và tăng thêm 126 triệu USD); Campuchia (11 dự án cấp mới, 12 dự án tăng vốn, tổng số vồn cấp mới và tăng thêm là 194 triệu USD). Ngoài những thị trường truyền thống trên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư ra các nước: Hoa Kỳ(18 dự án cấp mới, 4 dự án tăng vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 102 triệu USD); Liên bang Nga, Singapore, Myanmar, Đức… cũng đã có nhiều nhà đầu tư Việt Nam tiến hành triển khai các dự án đầu tư mới và tăng vốn đầu tư.

 

Về các lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tập trung vào khai khoáng, nông lâm ngư nghiệp là những lĩnh vực đầu tư lớn nhất. Khai khoáng có tổng vốn đầu tư 107 triệu USD; nông lâm ngư nghiệp đầu tư 106 triệu USD. Hiện nay các nhà đầu tư Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia đầu tư ra nước ngoài vào các lĩnh vực: Thông tin, truyền thông, bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất điện … Các nhà đầu tư Việt Nam cũng luôn hướng tới những lĩnh vực đầu tư với số vốn thấp, hiệu quả thu hồi vốn nhanh, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài… Để đón sự kiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN được ký kết vào cuối năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những chuẩn bị cần thiết để tận dụng cơ hội đầu tư làm ăn ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.