Đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2015

16:19, 11/11/2015

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì hội nghị sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản đề án về công tác gia đình giai đoạn 2011-2015 và tổng kết Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015.

Chương trình này tập trung vào 4 nội dung: Sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản đề án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt giai đoạn 2011-2015; sơ kết Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020; tổng kết Kế hoạch về bình đẳng giới của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011-2015; tổng kết Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015.

 

Thông qua các nội dung trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá tình hình thực hiện các văn bản, đề án về công tác gia đình, phát huy những kết quả đạt được, nhận diện, phân tích những nguyên nhân, hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện để đưa ra các giải pháp làm tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

 

Báo cáo Sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án thực hiện công tác gia đình giai đoạn 2011-2015 cho thấy, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác gia đình đã có sự chuyển biến tích cực. Các địa phương đã chỉ đạo xây dựng, ban hành, triển khai các văn bản thực hiện Chiến lược phù hợp với tình hình thực tế; đưa mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược vào các tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhiều Bộ, ngành và các tỉnh, thành đã chỉ đạo bổ sung các tiêu chí xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vào hương ước, quy ước, đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá…

 

Bên cạnh đó, công tác gia đình ngày càng nhận được sự quan tâm và phối hợp của các ngành, đoàn thể, chủ động triển khai thực hiện các nội dung của công tác gia đình gắn với hoạt động của ngành; đẩy mạnh phối hợp hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới…

 

Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đề ra đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Cụ thể, 90% hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; 90% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; hàng năm trung bình giảm từ 10-15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, có người mắc tệ nạn xã hội…

 

Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2015 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được ban hành kịp thời, bám sát định hướng chung trong công tác gia đình. Việc thực hiện Đề án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn.

 

Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của ngành văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2008-2015 đã được triển khai khá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai các quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình đến địa phương. Trong đó nổi bật là công tác truyền thông, chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về Phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng, tổ chức các hoạt động và nhân rộng Mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Trong giai đoạn 2016-2020 Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn tiếp tục chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp. Công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội hàng năm; tăng cường kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình. Ngoài ra những người làm công tác gia đình sẽ tập trung hoàn thiện các chỉ số, chỉ báo thu thập số liệu về gia đình, bạo lực gia đình kịp thời, chính xác phục vụ cho tham mưu, hoạch định chính sách về gia đình…/.