Tối 12/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2015 – Tuyên dương 64 thầy, cô giáo “cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tham dự chương trình .
64 giáo viên được tuyên dương gồm có 20 thầy giáo và 44 cô giáo; 32 thầy, cô là người dân tộc Kinh và 32 thầy, cô là người dân tộc (Chăm H’roi, Cống, Hà Nhì, Mông, Hre, Mường, Nùng, Tày, Thái...). Giáo viên lớn tuổi nhất là thầy Lò Văn Xuân, sinh năm 1957, dân tộc Thái, giáo viên trường Tiểu học Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La với 35 năm giảng dạy. Người ít tuổi nhất là cô giáo Đàm Thị Thu Thủy, sinh năm 1990, dân tộc Kinh, giáo viên trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và cô giáo Phùng Thị Hường, sinh năm 1990, dân tộc Mường, giáo viên trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cùng có thâm niên 4 năm giảng dạy.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước và xã hội, hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Các em học sinh trong độ tuổi đi học đều được cắp sách tới trường, được vui chơi và học tập để nuôi dưỡng những ước mơ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Có được những thành công đó, phải kể đến sự đóng góp bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đối với việc sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đang công tác tại các trường học điểm lẻ hay còn gọi là “giáo viên cắm bản” ở khu vực miền núi. Để đem “con chữ” đến cho các em học sinh vùng cao, hàng nghìn “giáo viên cắm bản” đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh, được các phụ huynh học sinh, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015 nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình còn nhằm khơi dậy tinh thần xung kích của xã hội, đặc biệt là đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc mang tri thức tới cho các con, em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc. Qua đó, chương trình mong muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi xã hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương của Chương trình và 64 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng cho mỗi thầy, cô giáo. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tặng thêm 280 tấm chăn cho học sinh ở 14 trường mầm non điểm lẻ trong chương trình.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình, 64 thầy, cô giáo “cắm bản” tiêu biểu xuất sắc đã vào Lăng viếng Bác, thăm quần thể Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015 là hoạt động triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII phát động và chào mừng kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11./.