An toàn thực phẩm - trách nhiệm của toàn xã hội

13:51, 17/12/2015

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “An toàn thực phẩm - trách nhiệm của toàn xã hội”, các nhà khoa học tham dự nhấn mạnh đến những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.

* 5 vấn đề tồn tại liên quan trực tiếp

 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rang, hiện có 5 vấn đề liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm là hệ thống pháp luật, quản lý nhà nước, thông tin tuyên truyền, nhận thức của người dân và vai trò của các tổ chức xã hội.

 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm phức tạp, chồng chéo và mâu thuẫn. Luật về an toàn thực phẩm ban hành năm 2010 nhưng các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành. Việc quản lý an toàn thực phẩm được giao cho 3 bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cũng tạo ra sự chồng chéo hoặc khoảng trống quyền lực. Thiếu sự phối hợp trong việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước, văn bản của bộ nào do bộ đó xây dựng riêng. Việc thẩm định văn bản chỉ dừng lại ở trình tự pháp lý mà chưa tính hết đến những vấn đề về nội dung chuyên ngành, liên ngành. Các cơ quan này thường tập trung quan tâm tới các cơ sở lớn mà ít quan tâm đến các cơ sở nhỏ nhưng lại là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhất. Một bộ phận cán bộ thi hành công vụ yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ kém. Các quy định pháp luật chưa có quy định trách nhiệm của người thi hành công vụ trong vấn đề an toàn thực phẩm thực thi sai hoặc bỏ trống trận địa.

 

Công tác kiểm soát các phòng kiểm nghiệm thiếu chặt chẽ, cùng một mẫu sản phẩm có thể cho kết quả rất khác nhau ở các phòng kiểm nghiệm khác nhau, còn có tình trạng độc quyền kiểm nghiệm. Các cơ quan quản lý chưa có chính sách và tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp có các sản phẩm an toàn thực phẩm. Công tác quảng cáo, tiếp thị sản phẩm bị buông lỏng. Vai trò và quyền lợi của người tiêu dùng không được quan tâm. Tình trạng chồng chéo về quản lý do Luật an toàn thực phẩm quy định cần được xem xét sửa đổi.

 

Bác sĩ Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm thông tin các tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh: Hiện tượng bơm nước cho bò, heo, bơm Agar vào tôm, dùng bột vàng ô trộn vào thức ăn cho gà chỉ ở Việt Nam mới có. Đây là tội ác làm hại sức khỏe nhưng chưa có văn bản nào quy định xử lý hình sự cho các hành vi này.

 

Đến nay vẫn chưa có chính sách và tiêu chí đánh giá và công nhận các sản phẩm có chất lượng và an toàn; khâu quảng cáo và tiếp thị không được kiểm soát. Chưa có văn bản nào quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền khi có vấn đề an toàn thực phẩm xảy ra. Thông tin về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng còn hạn chế, chủ yếu là các nguồn từ báo, đài. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa hoàn thiện, còn nhiều tiêu chuẩn chưa hài hòa với quy định quốc tế, tiến độ chuyển đổi tiêu chuẩn thành quy chuẩn kỹ thuật chậm. Do việc phân công dàn trải và thiếu tập trung gây khó khăn cho việc đầu tư khoa học công nghệ và chuyên môn hóa về quản lý an toàn thực phẩm.

 

Về mặt truyền thông, trên các phương tiên thông tin đại chúng nặng nhiều về các chương trình giải trí và quảng cáo mà có rất ít chương trình đưa lại những thông tin bổ ích, thiết thực cho khán giả, độc giả. Một bộ phận trong giới truyền thông thiếu trang bị kiến thức cơ bản và thực tiễn về an toàn thực phẩm. Vai trò của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp chưa được coi trọng và chưa được huy động tham gia vào công tác an toàn thực phẩm.

 

* Vì quyền lợi người tiêu dùng

 

Khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông minh” nhưng người tiêu dùng không biết sẽ thực hiện bằng cách nào? Nhiều nhà khoa học cho rằng thực tế phát hiện các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm đều từ người dân. Vậy người dân cần phải tích cực phát hiện, giám sát việc xử lý các hành vi vi phạm. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp đóng góp cho sửa đổi Luật An toàn vệ sinh thực phẩm bởi sau 5 năm thực thi Luật, hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam chưa đạt như mong muốn nếu không muốn nói là kém hiệu quả hơn trước.

 

Ông Nguyễn Tử Chương, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng cần tổ chức biên soạn giáo trình cơ bản về an toàn thực phẩm in và phổ cập cho toàn xã hội, cũng như giáo trình đào tạo về an toàn thực phẩm để đào tạo cho các đối tượng lãnh đạo cơ quan, cán bộ tác nghiệp an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp, cơ sở thu mua, vận chuyển, hộ kinh doanh cá lẻ.

 

Để bảo vệ người tiêu dùng, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chăng đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng rộng rãi mô hình khép kín theo chuỗi thực phẩm an toàn, từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm nhằm giám sát, quản lý chất lượng thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” để dễ dàng truy xuất nguồn gốc và xử lý sự cố, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

 

Bác sĩ Đỗ Thị Vân khẳng định đã đến lúc chấm dứt tình trạng cả 3 Bộ cùng quản lý an toàn thực phẩm. Chính phủ cần thống nhất quản lý, một đầu mối chủ trì điều hành và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cơ quan đầu mối này chịu trách nhiệm điều phối giữa các bộ liên quan. Các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm phải khác với các quy định thông thường theo hướng nghiêm khắc, tăng nặng mức tiền phạt gấp vài trăm lần giá trị thực phẩm, tái vi phạm lần 2 phải đóng cửa tạm thời, tái vi phạm lần 3 sẽ đóng cửa mới đủ sức răn đe, khắc phục tình trạng vi phạm hiện nay. Luật cũng cần được bổ sung thêm tội danh hình sự về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. G iải pháp quan trọng là huy động sự tham gia của toàn xã hội, trong đó tăng cường vai trò của người dân và tổ chức xã hội trong công tác giám sát, phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; xây dựng mô hình về an toàn thực phẩm; phản biện chính sách về an toàn thực phẩm; hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về an toàn thực phẩm.

 

Ông Trần Hữu Thăng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn xã hội, phải có những giải pháp thiết thực, nhưng trước hết tự mình phải cứu lấy mình vì sức khỏe là trên hết. Để đạt được ý thức này công tác truyền thông rất quan trọng, cần được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, từ đó người dân tự tẩy chay những sản phẩm độc hại.../.