Dấu ấn trong quan hệ Việt Nam - EU

09:50, 04/12/2015

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa đặt một dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai bên, đó là ký tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo theo thoả thuận giữa 2 bên, vào tháng 10- 2010, Việt Nam và EU đã nhất trí tiến hành đàm phán EVFTA sau khi đã hoàn tất các vấn đề về công tác kỹ thuật. Tiếp đó, 2 bên đã chính thức đàm phán hiệp định EVFTA vào ngày 26-6- 2012. Với sự tích cực và linh hoạt của cả 2 bên, sau gần 3 năm, với nhiều phiên họp, trong đó có 14 phiên chính thức ở các cấp độ từ Bộ trưởng đến các đoàn, nhóm kỹ thuật, Việt Nam và EU đã hoàn tất toàn diện các nội dung đàm phán Hiệp định EVFTA. Kết quả này theo đánh giá của 2 bên, đó là một sự kiện trọng đại, một dấu ấn đặc biệt quan trọng đánh dấu một bước tiến trọng yếu trong quan hệ giữa Việt Nam và EU về tăng cường quan hệ đối tác chính trị toàn diện, đặc biệt là quan hệ đối tác thương mại, đầu tư.

 

Hiệp định EVFTA được nhìn nhận là một hiệp định có sự cam kết cao, bảo đảm lợi ích của cả 2 bên, trong đó có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển. Các nội dung chính của hiệp định gồm: Thương mại hàng hoá; quy tắc xuất sứ; hải quan và thuận lợi hàng hóa; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; thương mại dịch vụ; đầu tư; phòng vệ thương mại; cạnh tranh; doanh nghiệp Nhà nước; mua sắm của Chính phủ; sở hữu trí tuệ; phát triển bền vững; hợp tác xây dựng năng lực; pháp lý - thể chế. Hiệp định cũng bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.

 

Hiệp định EVFTA có điểm đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa 2 bên có tính bổ sung mạnh mẽ cho nhau; cam kết mở của mạnh mẽ thị trường, các loại hàng hoá xuất nhập khẩu. Vì vậy hiệp định sẽ mang lại những lợi ích kinh tế lớn cho cả Việt Nam và EU. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa 2 bên cũng không mang tính cạnh tranh lớn, ít đối đầu trực tiếp, vì vậy nhiều nhóm hàng hoá chủ lực của Việt Nam sẽ có điều kiện chiếm lĩnh thị phần lớn trong EU khi hiệp định có hiệu lực.

 

EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam- EU đạt 36,8 tỷ USD năm 2014 và 6 tháng đầu năm nay đạt 19,4 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014. Liên minh châu Âu cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Chỉt ính riêng 6 thánh đầu năm 2015, đã có 23/28 quốc gia thuộc EU có đầu tư vào Việt Nam với 2.100 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 38,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp dịch vụ, xây dựng… Khi EVFTA được thực thi sẽ là động lực thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm cho cả Việt Nam và EU trong tương lai.