Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức và thủ đoạn tinh vi, tập trung vào các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, những mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tại khu vực biên giới, cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc nổi lên hoạt động buôn bán ma túy, thuốc nổ, pháo, công cụ hỗ trợ, đồ chơi bạo lực, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm và nội tạng, thịt động vật. Tuyến biên giới miền Trung và Tây Nguyên nhức nhối với hoạt động buôn lậu gỗ, động vật, thực vật hoang dã, các mặt hàng thuốc lá điếu. Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và vùng biển Tây Nam là tình trạng buôn lậu xăng, dầu, than, quặng... Tại các cảng biển quốc tế, nóng nhất là các mặt hàng cấm như sản phẩm của động vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh, thiết bị y tế cũ. Đáng chú ý là một số cửa khẩu hàng không, bưu điện quốc tế đã phát hiện đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng có giá trị, có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao.
Trên địa bàn tỉnh, để ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân, dịp lễ hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của tỉnh đã chỉ đạo phối hợp liên ngành mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động tổ chức lực lượng, triển khai các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn và sử lý hiệu quả các vụ việc xảy ra; tăng cường kiểm tra việc tuyên truyền, ký cam kết đối với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.
Nguyên nhân của hiện tượng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đã được khẳng định và nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Một số bộ, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chưa thật sự vào cuộc chỉ đạo, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả xã hội; nhiều nơi, vì lợi ích cục bộ đã làm ngơ, buông lỏng quản lý và đấu tranh, một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; công tác điều tra, xử lý buôn lậu có trường hợp chưa thật sự nghiêm minh, còn nể nang, bao che... Các lực lượng chức năng đều có chung nhận định: Hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách về phòng, chống buôn lậu của ta còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để những kẻ buôn lậu trục lợi.
Song, trên cơ sở nhận thức đầy đủ các nguyên nhân, có lẽ giải pháp mang tính quyết định nhất phải là yếu tố con người. Nếu người được giao nhiệm vụ thực thi công vụ không nghiêm túc, xử lý không triệt để thì không thể đủ sức răn đe. Đặc biệt sự phối hợp đồng bộ liên ngành, liên địa phương, phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp trên từng địa bàn, tuyến trọng điểm trong thực thi công vụ về lĩnh vực này lại càng quan trọng. Nếu như ngành này, địa phương này làm chặt, song địa phương khác, ngành khác lại buông lơi thì chúng ta khó có thể giải quyết tận gốc vấn đề; vấn nạn buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại vẫn là một thách thức không nhỏ. Và thiết nghĩ, những người làm công tác thuộc lĩnh vực này cũng cần nghiên cứu kỹ tình hình hiện nay, về những "mánh khóe" trong buôn lậu cũng như sản xuất hàng giả và gian lận thương mại để có phương án quản lý, phòng chống thiết thực, hiệu quả hơn.
Để chống buôn lậu có hiệu quả, các lực lượng chức năng phải thực sự trong sạch, không bảo kê, bao che; nhất định không được tiếp tay cho buôn lậu. Thời gian tới, cùng với việc củng cố lực lượng làm công tác quản lý thị trường theo hướng phân định rõ trách nhiệm theo từng địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc phối hợp thực hiện quản lý, kiểm tra các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại như xuất khẩu, nhập khẩu, bán hàng miễn thuế, các mặt hàng thiết yếu trong tiêu dùng... Các biện pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thông qua tuyên truyền phổ biến pháp luật rất cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để bảo đảm có sức lan tỏa sâu rộng, giúp mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và tích cực tham gia công tác này.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: Chỗ nào làm sai phải kỷ luật cán bộ, luân chuyển đi chỗ khác; ai không làm được phải thay ngay. Bên cạnh đó cần có chế độ “thưởng nóng” cho các lực lượng làm tốt; khen thưởng xứng đáng, biểu dương kịp thời cũng như nhân rộng mô hình phát động phong trào tiểu thương cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng. |