Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế

07:39, 09/12/2015

Chiều 8/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và ngành Y tế nói riêng. Thông qua thông tin, tuyên truyền, nhiều thành tựu ngành y tế đã đến gần hơn với người dân, như các dịch bệnh lớn trên thế giới không xâm nhập vào nước ta, các thành tựu khoa học công nghệ người dân đã biết đến, được tiếp cận từ tuyến dưới. Truyền thông đã phản ánh cho cán bộ lãnh đạo ngành biết được về những vấn đề như các chính sách y tế chưa đi vào cuộc sống, các mặt chưa làm được về an toàn thực phẩm, về thủ tục khám chữa bệnh...

 

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế, việc tiếp cận với các thông tin y tế còn khó khan. Một trong những lý do đó là truyền thông về y tế khác với các ngành khác, trong khi các ngành khác tập trung tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đó, với ngành y tế, còn phải truyền thông dự phòng, xử lý rủi ro, nguy cơ về sức khỏe và bệnh tật nhằm thay đổi để đạt hành vi tích cực...

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Y tế đã lắng nghe đa chiều, có chọn lọc thông tin từ nhiều phía, từ báo chính thống, đến các thông tin bên lề, các trang mạng xã hội..., nhằm đem tới cho người dân những thông tin có lợi nhất. “Khủng hoảng truyền thông ngành nào cũng có thể xảy ra nhưng quan trọng nhất là báo chí truyền thông và chủ thể phải hợp tác như thế nào để phải đặt quyền lợi của người dân, đất nước lên trên hết”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

 

Nêu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả truyền thông đối với công tác y tế, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chia sẻ: Mối quan hệ giữa giới truyền thông và những người làm công tác y tế đã trở nên thân thiết và gắn bó hơn bao giờ hết. Sự động viên, ủng hộ, chia sẻ kịp thời của các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt của các cơ quan thông tấn, báo chí có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành y tế. Những thông tin về y tế do báo chí phản ánh đã thu hút sự chú ý của xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương chính sách của ngành Y tế. Hơn thế nữa, thông qua báo chí, ngành y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

 

Để nâng cao hiệu quả truyền thông đối với công tác y tế, theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác y tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về y tế, cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chương trình, đề án tuyên truyền về y tế cho giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng Chiến lược truyền thông cụ thể, có tác động mạnh trong xã hội, như tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Ngành Y tế các cấp, nhất là các cơ quan quản lý thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng trên cơ sở các cuộc họp báo định kỳ. Tại đây, ngành Y tế sẽ tiếp nhận được thông tin từ cơ sở thông qua các nhà báo chuyên theo dõi, đưa tin về lĩnh vực này. Mặt khác, Ngành y tế các cấp cần chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề mới trong phòng chống dịch bệnh bùng phát hoặc mới phát sinh cho các cơ quan báo chí với những định hướng rõ ràng, cụ thể.

 

Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở điều dưỡng… tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn, nhất là khi có các sự kiện nổi cộm hoặc đặc biệt.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, những nhà báo đang trực tiếp tuyên truyền về lĩnh vực y tế, các ban, ngành, cơ sở y tế... đã làm rõ thực trạng truyền thông về công tác y tế, những mặt được và chưa được từ các cấp quản lý truyền thông, cơ quan thực hiện công tác truyền thông, đội ngũ phóng viên và cơ sở y tế./.