Thực phẩm thiếu an toàn: Trách nhiệm của ai?

10:15, 10/12/2015

Dù liên tục bị truy quét, chất cấm, chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi, chất bảo vệ thực vật vẫn âm thầm thẩm thấu vào bàn ăn của nhiều người. Thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân đã tiếp tay cho tội phạm hay cơ quan chức năng buông lỏng quản lý?

Liên tiếp phát hiện sai phạm

 

Vụ việc mới đây nhất và đang gây bức xúc công luận là ngày 8-12, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - C49 (Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN& PTNT bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây buôn bán chất tạo nạc Salbutamol. Kiểm tra tại Công ty TNHH Thủy sản Seabird (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), nơi các đối tượng lấy chất Salbutamol mang đi tiêu thụ, cơ quan chức năng phát hiện 17 loại hóa chất (dạng bột và nước). Các hóa chất này đều được các đối tượng mua từ chợ Kim Biên mang về pha chế, đóng gói rồi phân phối cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Lần theo manh mối, C49 đã bắt thêm một đối tượng là giám đốc một công ty sản xuất thuốc thú y và thủy sản có trụ sở tại Tiền Giang. Hiện C49 đang củng cố hồ sơ điều tra một đường dây sản xuất, mua bán chất tạo nạc liên tỉnh.

 

Trước đó, ngày 25-11, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Quản lý thị trường thành phố kiểm tra hành chính đối với 5 sản phẩm thức ăn gia súc của Công ty TNHH Tino (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân), phát hiện khoảng 200 tấn thức ăn gia súc được sản xuất từ các chất không nằm trong danh mục cho phép dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lực lượng chức năng đã niêm phong toàn bộ số sản phẩm này, đồng thời thu giữ 16 tấn nguyên liệu (xuất xứ Trung Quốc) quá hạn sử dụng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện công ty này đã "lách luật" khi đưa 8 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi lưu hành trên thị trường nhưng chưa được cơ quan chức năng cho phép.

 

Không chỉ khi Bộ NN&PTNT vào cuộc quyết liệt, trước đó các cơ quan chức năng đã phát hiện tại TP Hồ Chí Minh một số vụ việc sản xuất, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Điển hình là ngày 19-8, lực lượng công an phối hợp với Thanh tra NN&PTNT đã bắt quả tang vụ việc tại Công ty TNHH Sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) đang sản xuất hàng trăm mặt hàng thuốc kháng sinh cấm sản xuất. Đặc biệt, trong đó có chất cấm họ beta-agonist (salbutamol, clen buterol, ractopamine) - chất tăng trọng, tạo nạc bị nghiêm cấm sử dụng trong chăn nuôi. Cùng với đó, trong 300 sản phẩm trong danh mục cấm sản xuất, sử dụng, cơ quan chức năng phát hiện một khối lượng lớn chất tạo nạc, bung đùi, nở mông vai trong chăn nuôi lợn.

 

Buông lỏng?

 

Trước bức xúc dư luận về vệ sinh an toàn thực phẩm, bên lề kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hồ Chí Minh, một đại biểu HĐND cho biết, khi đi khảo sát một trại nuôi heo ở Quận 9, chủ trại cho biết thương lái đến mua heo thịt yêu cầu phải cho chất tạo nạc vào thức ăn trước 15 ngày mới thu mua. Chính vì vậy, dù không muốn nhưng để xuất chuồng buộc lòng chủ trại heo phải sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi.

 

Trao đổi với Báo Hànộimới bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thừa nhận rằng, các cơ quan chức năng thường "bó tay" nếu chủ trại chăn nuôi cho chất cấm, chất tạo nạc trực tiếp vào máng ăn. Một phần chính do nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng sử dụng chất cấm.

 

Nhiều đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề, phải chăng các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý trong an toàn vệ sinh thực phẩm khi hàng loạt những vụ việc liên tiếp bị phát hiện trong thời gian gần đây? Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Sở đối với hệ thống phân phối rau củ quả, thực phẩm gia súc, gia cầm khi vào hệ thống phân phối phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi cung ứng cho người tiêu dùng. Hiện tại toàn thành phố có 246 điểm bán thực phẩm an toàn phục vụ người dân thành phố. "Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngoài việc cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra các hệ thống phân phối trong việc thu mua, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị phân phối cũng phải có kế hoạch kiểm tra một cách chặt chẽ đối với các nguồn cung ứng, đồng thời kiểm tra nội bộ trong khâu thu mua. Chúng tôi cũng đề nghị với các doanh nghiệp phân phối lớn của thành phố trong thời gian ngắn tới phải có cơ chế để người tiêu dùng có thể tự tay kiểm tra những sản phẩm mà mình mua", ông Lê Văn Khoa nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, ông Khoa cũng thừa nhận các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đang rất lo lắng vì nguồn cung ứng thực phẩm cho thành phố đến từ hàng chục tỉnh, thành phố nên rất khó kiểm soát, truy xuất nguồn gốc. "Để giảm thiểu nguy cơ thực phẩm mất an toàn, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với các hệ thống phân phối, nếu kiểm tra, kiểm soát thiếu chặt chẽ để thực phẩm thiếu an toàn lọt vào hệ thống thì sẽ bị tẩy chay. Ngược lại, chúng tôi cũng yêu cầu các hệ thống phân phối phải kiểm tra và sẵn sàng tẩy chay, loại bỏ những đơn vị cung ứng không bảo đảm an toàn", ông Lê Văn Khoa khẳng định.