Vừa qua, Cục Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo về việc quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với loài cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm cá tra của Việt Nam. Theo đó, FSIS sẽ có thẩm quyền kiểm tra toàn bộ cá tra nhập khẩu và yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải bảo đảm chất lượng tương đồng quy chuẩn của USDA. Quy định này có phù hợp thông lệ quốc tế và liệu có ảnh hưởng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường Mỹ hay không?
Theo USDA, các quy định giám sát sẽ được áp dụng từ ngày 1-3-2016. Có nghĩa là từ nay đến ngày 29-2-2016, quy định về cá tra xuất khẩu sang Mỹ vẫn chưa thay đổi. Trong thời gian đó, Việt Nam phải nộp hồ sơ để FSIS xem xét tiêu chuẩn tương đồng, cho thấy rằng tại Việt Nam, cũng có các luật, hoặc các biện pháp pháp lý khác về chế biến cá làm thực phẩm phục vụ người tiêu dùng. Nếu Việt Nam không gửi đầy đủ tài liệu trước ngày 1-3-2016, thì từ sau ngày này, cá tra sẽ không được phép nhập khẩu vào Mỹ. Sau đó, Việt Nam sẽ có thời gian 18 tháng chuyển tiếp, chậm nhất là đến ngày 1-9-2017, phải gửi tài liệu chứng minh hệ thống kiểm tra trong nước tương đương với ở Mỹ. FSIS sẽ đánh giá và tiến hành thanh tra trực tiếp hệ thống kiểm tra của Việt Nam. Nếu kết luận là Việt Nam có hệ thống kiểm tra tương đương, FSIS sẽ trưng cầu ý kiến về đề xuất thêm Việt Nam vào danh sách các nước đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Các quy định này, nếu được triển khai và áp dụng đúng như thời gian dự tính sẽ là một rào cản kỹ thuật tiếp theo đối với cá tra của nước ta, sau rào cản thương mại về thuế chống bán phá giá trước đây.
Nhìn nhận về những quy định này, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (BienDong Seafood), cho biết: Việc các nước nhập khẩu đưa ra rào cản kỹ thuật với bên xuất khẩu không còn là chuyện bất ngờ trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Cụ thể, với chương trình mà FSIS đưa ra, đến thời điểm này cũng chưa có những yêu cầu cụ thể về thanh tra, kiểm tra đối với cá tra nước ta, mà phải chờ đến tháng 3-2016. Khi đó, chúng ta cần hợp tác để xem phía Mỹ yêu cầu những gì, cần tuân theo quy trình gì từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Nếu yêu cầu, quy định nào hợp lý thì phải tuân theo, còn nếu không, phía nhà xuất khẩu có thể đấu tranh cho hợp lý. Hiện công ty vẫn duy trì các hoạt động xuất khẩu như bình thường, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ để chứng minh các tiêu chuẩn tương đồng với quy định của FSIS.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng, ngay tại thời điểm này mà nói hoạt động xuất khẩu cá tra của nước ta trong thời gian tới sẽ gặp khó khi vào thị trường Mỹ là không có cơ sở. Khó hay không còn là ở mình, chứ không thể chỉ từ các quy định của phía Mỹ. Thực tế, dù chưa công bố những tiêu chuẩn cụ thể để thanh tra, kiểm tra cá tra Việt Nam, nhưng chương trình của FSIS ít nhiều đã bộc lộ sự vô lý. Đơn cử, như về tiêu chuẩn tương đồng, phía Mỹ không thể yêu cầu chúng ta phải chứng minh được sự giống nhau y nguyên trong tất cả các công đoạn mà chỉ có thể áp dụng sự tương đương trên cơ sở kết quả cuối cùng là có bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Thí dụ, hầu hết sản phẩm cá da trơn của Mỹ hiện nuôi nước ngầm, còn chúng ta nuôi nước mặt. Nguyên nhân do nước mặt ở các bang chuyên nuôi cá da trơn của Mỹ hầu như bị ô nhiễm, cho nên phải nuôi bằng nước ngầm, còn nước mặt ở Việt Nam vẫn bảo đảm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để nuôi cá tra, thì không thể cứ đòi hỏi giống nhau được. Ngoài ra, về vấn đề vận chuyển cá, chúng ta vận chuyển bằng xe thông thủy, còn phía Mỹ vận chuyển bằng xe có sục khí. Hai phương tiện khác nhau, nhưng nếu đều bảo đảm chất lượng cá theo quy chuẩn thì tại sao lại cần sự giống nhau? Như vậy, nếu phía Mỹ đưa ra những tiêu chuẩn này, chúng ta hoàn toàn có khả năng đấu tranh tìm sự hợp lý, không đáng lo ngại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng đầu năm 2015, mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm hơn 25%, nhưng vẫn đạt giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD, trong đó cá tra là mặt hàng chủ lực, chiếm một phần ba kim ngạch xuất khẩu. Hiện cá tra đang là sản phẩm thủy sản nhập khẩu được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, chiếm đến 75% doanh số bán hàng cá da trơn. Theo một số nguồn thông tin, các sản phẩm nhập khẩu này đã khiến 20% số cơ sở hoạt động nuôi cá da trơn của Mỹ bị đóng cửa trong vài năm gần đây. Có thể thấy, việc bị thu hẹp phạm vi ảnh hưởng đã và đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với mặt hàng này.
Còn theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VNPA), khối lượng hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra trong hai quý cuối năm 2015 tăng mạnh so với hai quý đầu năm. Dự báo kim ngạch xuất khẩu trong quý III, quý IV đạt khoảng 950 triệu USD, lũy kế cả năm đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Hiện các doanh nghiệp chế biến đều đã xây dựng được vùng nguyên liệu. Việc đăng ký khai báo vùng nuôi cũng được các địa phương tích cực triển khai. Sắp tới, cùng với việc tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh lợi thế về thuế, chắc chắn phía đối tác nhập khẩu sẽ dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật để cạnh tranh. Như vậy, cần nhìn nhận những động thái của FSIS cũng nằm trong chuỗi thách thức của ngành hàng cá tra nói riêng và thủy sản nước ta nói chung khi hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là, ngoài việc chuẩn bị “đấu tranh” với những quy định cụ thể về tiêu chuẩn cá tra của FSIS, thì việc tự hoàn thiện chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ cá tra trong nước phải được đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh: Khi các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến trong nước đủ đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế thì các quy định riêng lẻ của các quốc gia khác là không đáng lo ngại. Điều lo nhất chỉ là khâu quản lý của chúng ta chưa hoàn thiện, dẫn đến việc không bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.