Các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

14:22, 28/09/2016

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã lấy 2.716 mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại 45 tỉnh, thành phố; trong đó có 3 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại Việt Nam, còn lại âm tính với vi rút Zika. Những trường hợp dương tính với vi rút Zika không có liên quan dịch tễ học và không có tiền sử đi từ các khu vực bị ảnh hưởng. Như vậy, vi rút Zika đã lưu hành trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay đã ghi nhận 72.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 52 tỉnh, thàng phố. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2015. Số mắc sốt xuất huyết tăng cao tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Dịch hiện đã giảm tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông; tuy vậy vẫn còn cao tại Đắk Lắk và Gia Lai.

 

Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 27.000 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố; không ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số mắc giảm 16%. Số mắc tập trung nhiều tại các tỉnh khu vực phía Nam.

 

Ngoài ra, tại nước ta, cúm mùa chủ yếu là cúm A(H3N2) chiếm 44,4%; cúm B chiếm 43,4% và cúm A(H1N1) chiếm 12,2%. Cả nước hiện không ghi nhận người hợp mắc bệnh cúm gia cầm ở người mặc dù liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm trên gia cầm...

 

Bộ Y tế nhận định: Thời gian tới, các bệnh nguy hiểm và mới nổi có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát nếu Việt Nam không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Bệnh do vi rút Zika là bệnh lưu hành và có thể tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp đến hết mùa mưa, nhất là khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Đặc biệt, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại một số tỉnh có nguy cơ lan rộng; có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh xâm nhập từ các nước Lào, Campuchia và châu Phi. Bệnh tay chân miệng có nguy cơ gia tăng vào mùa tựu trường và bệnh cúm có thể diễn biến phức tạp trong thời tiết mùa thu – đông...

 

Nguyên nhân của thực trạng trên là do sự gia tăng giao lưu đi lại giữa các quốc gia; đô thị hóa mạnh mẽ; biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng El Nino; vệ sinh môi trường... Đặc biệt là sự chủ quan của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.