Không thể có “đặc quyền biển xanh”!

14:38, 24/09/2016

Những hình ảnh vi phạm liên tiếp của xe biển xanh trong thời gian qua đã gây bất bình rất lớn trong dư luận. Đặc quyền của xe ưu tiên đã đến lúc cần kiểm soát chặt chẽ hơn, nghiêm túc hơn để giữ gìn kỷ cương luật pháp.  

Từ thủ đô Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, các camera hành trình đã ghi lại 2 hình ảnh vi phạm trắng trợn luật giao thông của các xe biển xanh. Tình trạng lợi dụng sự đặc quyền của xe ưu tiên đã được báo chí nhắc tới không ít lần. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi những hình ảnh phản cảm vẫn xuất hiện ở đâu đó. Theo số liệu của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), 6 tháng đầu năm 2016, có 34 xe của cơ quan công quyền, 26 xe quân đội vi phạm luật giao thông bị xử lý. Chưa kể những trường hợp vi phạm được ghi nhận qua camera giám sát, con số này chắc chắn chưa thể phản ánh đúng hiện trạng thực tế.

 

Xe ưu tiên dĩ nhiên thường nhận được sự “ưu tiên” từ cảnh sát giao thông. Một số lỗi nhỏ như đè vạch, lấn làn, quá tốc độ đôi chút hay vượt chớm đèn rất dễ được thông cảm và bỏ qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là các tài xế được quyền thách thức pháp luật để đi ẩu, hoặc bất chấp diễn biến giao thông để di chuyển theo cách của tài xế.

 

Tuần qua, cán bộ lái chiếc xe biển xanh gây chuyện tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.Hồ Chí Minh) đã tạo ra một hình ảnh rất xấu đối với những người lẽ ra phải gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành luật giao thông. Chưa cần biết rõ liệu tài xế có say xỉn hay không, nhưng qua clip ghi lại, việc chiếc xe vẫn cố tình lưu thông bất chấp phản ứng của người dân đã cho thấy câu trả lời. Đó là hành vi coi thường luật pháp, coi thường người khác, và tự xem thường cả chính mình – cho dù với tư cách người cầm vô lăng hay một cán bộ nhà nước.

 

Không ngạc nhiên khi chính người dân đã là chủ thể thay thế báo chí để làm việc cần làm. Ở những tình huống như chiếc xe biển xanh bị ép lùi cả trăm mét tại phố Phan Huy Chú (Hà Nội), những người dân đã có thái độ phản kháng với cái sai, qua đó gián tiếp bảo vệ luật pháp, bảo vệ sự công bằng cho chính mình.

 

Nếu có một cuộc thanh tra toàn diện về vi phạm của xe biển xanh, có thể nhiều người phải giật mình. Theo Quyết định 59 và Quyết định 61 của Thủ tướng Chính phủ, hạn mức trang bị xe công đối với từng chức danh đã có. Vậy thì người dân sẽ cần được giải thích thỏa đáng khi hàng loạt  hình ảnh những chiếc xe được ghi lại trên đường phố mang thương hiệu của Mercedes S550, Cadillac Escalade, Lexus LX 570, Toyota Land Cruiser, Range Rover hay Toyota Prado.

 

Ở một số trường hợp khác, người ta cũng thấy tình trạng những chiếc xe biển xanh hú còi chạy giữa phố đông người hay qua cửa kiểm soát thu phí. Liệu trong số đó, có bao nhiêu chiếc xe thực sự đủ điều kiện ưu tiên? Theo Nghị định 109/2009 của Chính phủ, các xe được sử dụng tín hiệu ưu tiên chỉ gồm: Xe quân sự và xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe dẫn đoàn, xe chữa cháy, xe cứu thương. Còn với các xe ưu tiên khác thì chỉ được sử dụng tín hiệu khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

 

Rất rõ ràng, các xe ưu tiên vẫn luôn có chế tài đặc biệt và chặt chẽ để kiểm soát. Tuy vậy, các vi phạm dường như khá khó để xử lý và cũng rất mơ hồ trong giới hạn đặc quyền.

 

Đã tới lúc những hành vi cố tình vi phạm của xe biển xanh, biển đỏ cần được xử lý triệt để để lấy lại kỷ cương, cũng như thanh danh của các cơ quan nhà nước. Và cũng đã đến lúc, mỗi người dân cần lên tiếng mạnh mẽ hơn trong vai trò giám sát, bắt đầu từ câu chuyện của những chiếc xe biển xanh.

 

Nếu tiếp tục buông lỏng quản lý xe ưu tiên, nếu tiếp tục e dè với “đặc quyền biển xanh”, việc kêu gọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông sẽ chỉ thoảng qua như những chiếc loa gắn ở ngã tư đường phố./.