Sáng 3-11, tại T.P Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Kinh tế đối ngoại năm 2016 (Vietnam Summit 2016). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, đại diện hơn 200 doanh nghiệp cùng các nhà kinh tế hàng đầu thế giới và Việt Nam.
Với chủ đề “Ra khơi thuận buồm xuôi gió”, hội nghị được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực quảng bá nền kinh tế Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Đồng thời, nối tiếp thành công của của chuỗi sự kiện The Economist trên khắp thế giới, Hội nghị sẽ thảo luận về các chủ đề: Việt Nam trong kinh tế toàn cầu; tương lai của ngành công nghiệp sản xuất; nhu cầu lương thực Việt Nam, kinh doanh, xây dựng thương hiệu Việt Nam; đột phá trong kinh doanh; thảo luận về địa chính trị... Các khách mời đưa ra những phân tích, lập luận, khuyến nghị để con thuyền kinh tế Việt Nam vững vàng vươn ra biển lớn.
Giao lưu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chịu nhiều hậu quả chiến tranh, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình. Cả nước đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6%, đời sống người dân tiến bộ... Những thành tựu đó là nhờ quá trình chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, tập trung gỡ bỏ rào cản để phát triển kinh tế thành công; tận dụng và phát huy được lợi thế về nhân lực, đặc trưng kinh tế nông nghiệp, điều kiện tự nhiên và phẩm chất, giá trị con người Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sớm hội nhập và quyết tâm hội nhập thành công, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm để thuận tiện tiếp cận với nền kinh tế các nước phát triển cùng những chuẩn mực của thế giới để hoàn thiện thể chế kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Trong đó, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao, hướng vào bồi dưỡng, trang bị kỹ năng thực hành cho người lao động và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất… đang được Chính phủ quan tâm. Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu Việt Nam luôn chủ động, tự tin hội nhập và là môi trường đầu tư lý tưởng thu hút các doanh nghiệp trên thế giới.
Các khách mời giao lưu lần lượt làm rõ những chủ đề chính của hội nghị, nêu bật vấn đề triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng của nhiều thị trường mới nổi trên thế giới chững lại. Cần làm gì để phát huy thế mạnh của Việt Nam? Những chính sách của Chính phủ có thực sự đúng đắn, hiệu quả, kích cầu phát triển? Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam và giải pháp ứng phó… Những vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia phân tích, lý giải cặn kẽ từ thực tiễn nhằm giúp các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và doanh nghiệp nhìn nhận khách quan, xác định hướng đi đúng đắn để kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển thuận lợi.