Chiều 9-11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của các các cấp, các ngành, địa phương…việc triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng năm 2016 tăng khá, đạt khoảng 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, có 4 mặt hàng đã đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD (thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều) và 7 mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với số lượng thị trường xuất khẩu đã tăng khá nhanh. Cụ thể, năm 2010 là 117 thị trường, đến năm 2016 đạt trên 160 thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình xuất khẩu chung của thế giới vẫn đang suy giảm với nhu cầu tiêu dùng thấp, tình trạng các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, dẫn đến việc bảo hộ sản xuất trong các nước thông qua các rào cản phi thuế quan ngày càng mạnh. Điều này có thể làm vô hiệu hóa các lợi thế ưu đãi về thuế quan đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang ký kết.
Trước bối cảnh trên, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020, đồng thời phát huy vai trò quản lý nhà nước của hai Bộ: NN&PTNT và Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác giữa hai Bộ.
Theo Bản ghi nhớ, các đơn vị chức năng trực thuộc hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản trong 6 lĩnh vực: phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của thị trường; trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; quản lý thị trường, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với vật tư nông nghiệp và hàng nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; quản lý nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.
Với việc tăng cường phối hợp giữa hai Bộ để triển khai quyết liệt các nội dung được cụ thể hóa tại Bản ghi nhớ, trong thời gian tới, công tác sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản được kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực, phấn đấu đưa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt trên 31 tỷ USD. Đồng thời đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của hai Bộ được thông suốt, hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân./.