10 người chết, 8 người mất tích, 18 người bị thương; 48 nhà bị sập, 146 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 38.022 nhà bị ngập; 7.411 ha lúa, 2.303ha hoa màu bị ngập, hư hại; 247 con gia súc, 30.790 con gia cầm bị chết, cuốn trôi cùng nhiều công trình giao thông bị sạt lở, hư hỏng.... Tổng thiệt hại ước tính ban đầu lên đến 155,038 tỷ đồng. Đó là thông tin tổng hợp từ Chi cục Phòng chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Trung và Tây Nguyên vào sáng 5-11 về tình hình thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh, thành trong khu vực các ngày qua.
Chi cục PCTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, trong số 10 người chết, tỉnh Quảng Bình: 3 người, Quảng Trị: 2 người, Bình Định: 01 người, Phú Yên: 3 người, Đắk Lắk: 01 người. 08 người bị thương thì Quảng Bình có 01 người, Quảng Ngãi: 3 người, Phú Yên: 3 người, Kon Tum: 1 người; 18 người bị thương thì Quảng Bình: 14 người, Quảng Trị: 2 người, Thừa Thiên-Huế: 01 người, Quảng Ngãi: 1 người.
Về nhà ở, trong số 48 nhà bị sập thì Quảng Bình: 2 nhà, Thừa Thiên-Huế: 2 nhà, Quảng Ngãi: 3 nhà, Bình Định: 34 nhà, Khánh Hòa: 4 nhà, Ninh Thuận:03 nhà. Với nhà bị tốc mái, hư hỏng, Quảng Bình có 93 nhà, Quảng Ngãi: 17 nhà, Bình Định: 34 nhà, Khánh Hòa: 2 nhà. Nhà bị ngập, Quảng Bình có 25.896 nhà, Quảng Trị: 2.596 nhà, Quảng Ngãi: 19 nhà, Bình Định: 1.450 nhà, Phú Yên: 6.760 nhà, Khánh Hòa: 246 nhà, Ninh Thuận: 18 nhà, Gia Lai: 196 nhà, Đắk Lắk: 841 nhà.
Mưa lũ các ngày qua tại địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đã là cho ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực bị thiệt hại nặng. Trong đó có 7.411 ha lúa và 2.303ha hoa màu bị ngập, hư hại.
Trong khi đó, nhiều tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở với khoảng 38.872m3; 44 công trình cầu, cống bị sạt lở hư hỏng; 904m đê kè, 7.110m bờ sông bị sạt lở; 19 hồ đập nhỏ bị hư hỏng....
Ngoài ra, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Thuận, mưa lũ mấy ngày qua cũng đã làm sạt lở bờ sông Dinh. Trong đó, vị trí sạt lở nằm ở phía bờ hữu Sông Dinh phía hạ lưu đập Nha Trinh tại xã Phước Sơn với điểm đầu sạt lở cách vị trí đập Nha Trinh khoảng 740m về phía hạ lưu, có chiều dài là 400m. Tại đây hiện cũng đang xuất hiện vết nứt có nguy cơ sạt lở dài khoảng 700m tiếp theo. Điều đáng nói là tổng chiều rộng khu vực sạt lở (tính từ mép bờ sông cũ lấn vào đất sản xuất của người dân) trung bình khoảng 30m. Khu vực sạt lở này đang uy hiếp đến 2 trụ điện cao thế ở 2 bên bờ sông (Hiện tại trụ điện bên bờ hữu sông cách vị trí sạt lở khoảng 30m, trụ điện bên bờ tả sông cách bờ khoảng 20m).
Lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên
Theo Chi cục PCTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên, lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận đang xuống; sông Srêpôk (Đắk Lắk) đang lên. Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận tiếp tục xuống, sông Srêpốk tiếp tục lên. Chiều tối nay (5-11), lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại.
Cùng với dự báo lũ trên, Chi cục PCTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng dự báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông.
Cùng với đó, tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, Đắk Lắc vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); huyện Mdrăk, Krông Bông, Eakar (Đăk Lắk).
Chi cục PCTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên lưu ý các địa phương cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, đặc biệt là các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Srêpôk. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.