Khen thưởng hai ông lão giúp phát hiện gần 3.000 hồ sơ thương binh giả

07:49, 24/06/2017

Chiều 23-6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trao tặng bằng khen tới hai ông lão có thành tích giúp cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 hồ sơ thương binh giả.

Đó là ông Nguyễn Tiến Lãng (sinh năm 1938, cư trú tại phố Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và ông Nguyễn Công Uẩn (sinh năm 1937, cư trú tại thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, góp phần thực hiện tốt chính sách lao động, người có công và xã hội.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự dũng cảm của hai công dân đã vượt qua nhiều trở ngại để tìm tới sự thật. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Cảm ơn hai lão ông, tuy tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập".

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kêu gọi những trường hợp đã nhận tiền từ hồ sơ giả nên chủ động trả lại số tiền đã được trao.

 

Trước đó, năm 2010, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã tố cáo việc nhiều người không đi bộ đội hoặc chỉ bị tai nạn xe máy, cụt một ngón tay cũng được công nhận là thương binh. Từ đơn tố cáo của 2 ông, Cục Người có công và Thanh tra Bộ đã tiến hành xác minh và nhận thấy đơn tố cáo có cơ sở. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh và  Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng tiến hành khởi tố điều tra về việc làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh.

 

Kết quả sau điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp lên tới 2.745 người, 24 người bị xử lý hình sự, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng, đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng mỗi năm do chi sai đối tượng người có công.

 

Sau đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành xét tặng bằng khen của Bộ trưởng cho hai ông vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đã hai lần có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến hiệp y về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của hai ông nhưng chưa nhận được trả lời.

 

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH nhiều lần gửi văn bản, trao đổi qua điện thoại đề nghị tỉnh sớm trả lời. Đến ngày 23-5, tỉnh Bắc Ninh chính thức có văn bản hiệp y khen thưởng cho hai ông.

 

Như vậy, có thể nói đây là hồi kết có hậu với hai ông lão giúp cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 hồ sơ thương binh giả./.