Từ một địa phương còn nhiều hộ đói, nghèo tại thời điểm tách tỉnh năm 1997, trong quá trình đổi mới, các thế hệ lãnh đạo cùng các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Dương đã thực hiện quyết liệt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, Bình Dương là tỉnh duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo ( căn cứ vào thống kê Tổng hợp diễn biến hộ nghèo cả nước năm 2016 - Ban hành kèm theo quyết định số 945/QĐ-BLĐTBXH ngày 22/6/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Theo ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp có hiệu quả như tín dụng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề và giới thiệu việc làm… Giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo của Bình Dương là trên 1.050 tỷ đồng, trong đó nguồn đóng góp từ xã hội đạt trên 280 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là hơn 500 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương khoảng 118 tỷ đồng để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tiền điện, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Bên cạnh đó, gói tín dụng 338 tỷ đồng được đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp sạch. Riêng nguồn vốn xã hội hóa được dành cho xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết với tổng giá trị 45 tỷ đồng. Các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích cực vận động, huy động các nguồn vốn cho hội viên vay làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Những năm qua, Bình Dương thực hiện tốt các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Riêng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình thâm canh cây tiêu, nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn; tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng và nhân giống nấm, tạo dáng, chăm sóc cây cảnh, trồng hoa lan... Anh Đào Văn Sang (thị xã Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) chia sẻ: Trước đây, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn, không có vốn phát triển kinh tế. Được vay 30 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, được tạo điều kiện đi tham quan học hỏi các mô hình sản xuất, chăn nuôi, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà thả vườn, lấy trứng và làm chuồng trại. Hiện gia đình anh đã phát triển đàn gà lên trên 300 con, cho thu nhập ổn định mỗi tháng từ 20 – 30 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương đã áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, với chuẩn về thu nhập gấp khoảng 1,5 lần so với mức chung của cả nước; điều chỉnh mức thu nhập lên 1,2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Ông Hà Minh Trung cho rằng việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều định kỳ, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách vĩ mô, để từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư, từ đó xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn thực hiện chính sách bảo lưu đối với hộ mới thoát nghèo. Tùy theo khả năng cân đối ngân sách địa phương, hàng năm tỉnh này sẽ xem xét, bố trí vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo được vay vốn để thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng làm ăn, vốn tín dụng học sinh, sinh viên… Để giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai hiệu quả chương trình khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nghèo; tích cực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng cho người dân quyết tâm tự lực vươn lên./.