Đầu tháng 10, cây xăng Nhật Bản Idemitsu Q8 (IQ8) đầu tiên được mở ở Việt Nam, với cam kết bán xăng chính xác, chất lượng phục vụ mang đậm chất Nhật Bản, như lời cảnh tỉnh, chất xúc tác để các doanh nghiệp Việt phải thay đổi nếu không muốn mất thị phần ngay tại sân nhà.
Phân phối xăng dầu không còn là độc quyền
Điểm nổi trội của cửa hàng xăng dầu này là ngay khi khai trương tại Việt Nam, IQ8 đã tuyên bố áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động tại trạm xăng dầu, cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. IQ8 cũng sở hữu hệ thống quản lý số lượng nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít, là điểm nổi trội tác động mạnh vào tâm lý người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm trước tình trạng gian lận xăng dầu đã xảy ra khá nhiều thời gian qua. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ của người Nhật Bản cũng dễ gây thiện cảm cho người tiêu dùng thông qua hành động cúi chào khách hàng, lau gương, lau kính…
Việc mở cửa cây xăng này đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều người thắc mắc tại sao DN Nhật Bản này có thể tham gia thị trường và trực tiếp bán lẻ, trong khi thị trường xăng dầu Việt Nam hiện giờ vẫn chưa mở cửa. Chia sẻ về điều này, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, chúng ta chưa mở cửa thị trường xăng dầu, có nghĩa các DN nước ngoài chưa được vào Việt Nam thiết lập hệ thống phân phối, hay nói cách khác là chưa được vào kinh doanh nội địa tại thị trường Việt Nam. Nhưng thực tế, do DN đã cổ phần hóa về xăng dầu nên các DN nước ngoài có thể vào Việt Nam để mua cổ phần. Đơn cử, Petrolimex đã bán 8% cổ phần cho DN Nhật Bản và tới đây có thể nhiều DN khác bán cổ phần cho nước ngoài.
Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư cũng dẫn tới việc liên doanh liên kết với nước ngoài. Thí dụ, hiện 75% vốn của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là của Nhật Bản và Kuwait, trong đó có chủ đầu tư của IQ8. Các DN này có quyền được phân phối trên lãnh thổ Việt Nam dưới danh nghĩa công ty cổ phẩn hoặc có cổ phần ở Việt Nam.
Đổi mới hay là mất
Việc mở cây xăng nước ngoài với chất lượng dịch vụ vượt trội là sự cảnh tỉnh đối với các DN xăng dầu nội địa, vốn trước nay không có đối thủ. Ông Phan Thế Ruệ cho hay, phía Nhật Bản cúi đầu chào khách hàng là tập quán của họ, không phải chỉ riêng xăng dầu mà là văn hóa của họ, giống như việc bắt tay của Việt Nam khi giao tiếp.
Bên cạnh đó, việc bán xăng chính xác, ít sai số chính là điểm mạnh của họ và là tiêu chuẩn mà DN của ta phải phấn đấu. Bởi đây là điểm yếu của một số DN Việt Nam khi thỉnh thoảng vẫn còn có cây xăng đo thiếu cho người mua, chất lượng có vấn đề. Một số cây xăng khác lại có tư duy bao cấp, tức là người bán là chủ và người mua là khách, dẫn đến thái độ với khách hàng chưa tốt.
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ta phải có sự thay đổi rất lớn. Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, cây xăng chỉ có một người bán và dùng máy tính để quản lý. Toàn bộ thiết bị được tự động hóa, kiểm tra số lượng, chất lượng đều bằng máy. Trong khi ở Việt Nam nhiều cây xăng vẫn dùng thước để đo và có phòng thí nghiệm để kiểm tra chất lượng, tất cả điều đó dần sẽ lạc hậu”, ông Phan Thế Ruệ chỉ rõ.
Ông Phan Thế Ruệ cũng cho rằng, trước xu hướng các DN xăng dầu nước ngoài mở hệ thống phân phối tại Việt Nam, điều tất yếu của Việt Nam là phải nâng cao dịch vụ bán hàng. Hiệp hội Xăng dầu đã đề xuất việc gắn biến văn minh thương mại cho các cửa hàng xăng dầu đạt tiêu chí về tiếp cận khách hàng, sử dụng công nghệ cao… Ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh: “Nếu DN không đầu tư công nghệ cho hệ thống phân phối chắc chắn sẽ khó cạnh tranh. Bởi hệ thống phân phối là yếu tố sống còn quyết định sức cạnh tranh của các công ty xăng dầu. Nếu không đầu tư cho cửa hàng thì đến lúc nước ngoài vào ta sẽ khó cạnh tranh được”.
Đồng ý kiến với vị Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, sự xuất hiện của nhà đầu tư Nhật Bản tạo ra luồng gió mới, khuyến khích DN nước ngoài đầu tư vào nhà máy lọc dầu và được tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu được đánh giá là rất màu mỡ với hơn 90 triệu dân. Đặc biệt, điều này sẽ tạo ra cạnh tranh lớn với các DN trong nước, thúc đẩy các DN này phải chủ động đầu tư công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, giữ vững thị trường.