Sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đề xuất thí điểm thuế tài sản
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đang chậm lại. Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm, cản trở sự phát triển bền vững. Do đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội quy định cho Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
Về quản lý đất đai, thí điểm giao cho HĐND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất.
Về Quản lý đầu tư, thí điểm giao Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công.
Về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, giao cho Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí...
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho Thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Hàng năm, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước) và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại điểm b, c, d, g, h, i, q khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước...
Nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế
Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tờ trình này.
Đối với việc đề xuất cho Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm thuế tài sản, cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là sắc thuế mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, trên cơ sở báo cáo của HĐND thành phố, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ trình UBTVQH xem xét, trình Quốc hội quyết định áp dụng thuế tài sản thí điểm trước tiên thực hiện tại Thành phố. "Trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất", ông Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.
Đối với thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc việc tăng thuế suất của tất cả sắc thuế (trừ thuế xuất nhập khẩu), chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và có tính đến mức thu nhập của người dân đô thị (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên nước...).
Bên cạnh đó, theo Uỷ ban, cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư của thành phố (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...).
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần quy định mức trần tăng thuế suất của một số sắc thuế để bảo đảm tính khả thi và sự kiểm soát của Nhà nước.
Về việc cho phép thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của thành phố, Uỷ ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, song đề nghị chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm so với mức lương cơ bản theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc và quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước. Như vậy, vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước.
Cơ quan thẩm tra đề nghị, thành phố chủ động tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế phù hợ với đặc điểm của Thành phố và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cơ quan thẩm tra nhất trí với dự thảo Nghị quyết về việc đề nghị cho phép thành phố được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.
Riêng việc cho phép thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, Uỷ ban đề nghị Chính phủ cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (không quá 0,2% GDP) để không làm ảnh hưởng lớn đến khả năng vay vốn của các địa phương khác, trong đó thủ đô Hà Nội (mức dư nợ là 70%) và ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập (mức dư nợ dự kiến 70%).
Đầu tàu mà chậm thì cả toa sau chậm theo
Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này. Nhiều đại biểu đã bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung tại Tờ trình và báo cáo thẩm tra.
Phát biểu sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hiện Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách lớn nhất nước và tỉ lệ điều tiết về Trung ương cũng lớn nhất.
Theo dõi quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh điều tiết dưới 20% không thể nào phát triển được nhanh. “Đã đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng động lực mà đi chậm thì cả toa sau sẽ đi chậm theo. Cho nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh không phải chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy thì chúng ta mới thoát ra được”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Về việc tăng mức thuế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều loại thuế tăng thì được như thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên, chính phủ đề xuất tăng tất cả các loại thuế, trừ thuế xuất nhập khẩu là không hợp lý vì làm mất đi tính cạnh tranh.
Liên quan đến dự toán ngân sách của Thành phố, theo Chủ tịch Quốc hội, nên thay đổi cơ chế giao quyền chủ động phù hợp với thực tế của địa phương.
Về đề xuất của Chính phủ cắt 18.800 tỷ đồng chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP đã được Quốc hội giao khi cho TP được hưởng số thu thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của TP để đầu tư cơ sở hạ tầng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Cho cái này lấy lại cái kia như vậy hẹp hòi quá. Đã cho cơ chế đặc thù, cho vượt trội thì cho thêm chứ đừng lấy bớt".
Đồng tình với đề xuất cho phép thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm " Nếu thí điểm thành công thì tính đến cải cách tiền lương, cho áp dụng mở rộng" - Chủ tịch Quốc hội nói.