Dù đã có nhiều chuyên gia về nhiên liệu đốt, cơ khí động lực... khẳng định xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ, nhưng hiện nhiều người dùng vẫn tỏ ra e dè, đặc biệt là người đi ô tô.
Một số người dùng ô tô động cơ nhỏ phản ánh xăng E5 chạy không "bốc" như A95, hao xăng nhanh hơn, gây hư hại động cơ, khi còn ít nhiên liệu xuất hiện tình trạng giật cục.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ sự không hài lòng khi sử dụng xăng E5: "Xe tôi chạy yếu hơn trước. Vượt xe khác cũng khó hơn so với khi đổ Ron 92 trước hay Ron 95 bây giờ. Tính ra về lâu về dài, dù giá mua nhỉnh hơn tí, nhưng đổ xăng Ron 95, bốc máy, vượt xe tốt."
Ông Lương Trí Hùng (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: "Tôi chủ yếu đi trong thành phố, không siết ga, bốc máy nhiều nên đổ xăng E5 với không thấy khác biệt gì nhiều so với đổ Ron 92 trước."
Đồng quan điểm chị Mai Thị Tuyết (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thường xuyên mua xăng ở cây gần nhà cho tiện nhưng không biết cây xăng đó bán xăng E5 từ lâu. Trong suốt quá trình đi chị cũng chưa phát hiện thấy xe có vấn đề trục trặc.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương), Việt Nam là nước thứ 60 có sử dụng Ethanol là một thành phần trong xăng (ít nhất là 5%). Trước đó, từ những năm 1970, Brazil đã phổ cập. Năm 2003, tại tất cả các đô thị ở Thái Lan đã thay thế bằng xăng E5 và sau đó là E7 và E10. Tại Mỹ và các nước châu Âu cũng đều ban hành luật, sắc lệnh về sử dụng nhiên liệu sinh học.
Trên cơ sở tính toán khả năng cung cầu, thử nghiệm trên các loại động cơ có kết quả, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ, ngành, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu lớn, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các cơ sở sản xuất chế tạo phương tiện động cơ để đưa ra lộ trình áp dụng tỷ lệ nhiên liệu phối trộn. "Nếu đúng tinh thần của Quyết định 53 của Chính phủ năm 2012 về tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu, kể cả xăng A95 và 92 đều phải trộn ít nhất 5%", ông Nguyễn Phú Cường cho biết.
"Trước khi triển khai phân phối phổ biến toàn quốc, năm 2014, xăng E5 được thử nghiệm sử dụng ở 6 tỉnh, thành phố trên cả nước bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, có 4 tỉnh là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cần Thơ sử dụng 100% xăng E5, thì không xảy ra khiếu kiện, phàn nàn nào của người tiêu dùng về chất lượng", ông Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ KHCN, Bộ Công Thương giải thích, "Trên thế giới hiện nay rất hiếm nước dùng nhiên liệu E5. Định nghĩa xăng E5 không được dùng nữa, do theo thông lệ chung, với tỷ lệ 5% phối trộn, ethanol chỉ được coi là thành phần phụ gia chứ không được gọi là nhiên liệu sinh học. Vì nếu gọi là nhiên liệu sinh học sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, phí bảo vệ môi trường..."
"Các nước hiện nay chủ yếu là xăng E7, E10, E25, E30, E85 mới được tính là nhiên liệu sinh học chứ không có E5 như Việt Nam sử dụng. Ngay trong quy định Tiêu chuẩn nhiên liệu Euro 3, Euro 4, Euro 5 của Châu Âu, 5% ethanol được coi là thành phần mặc nhiên, và họ không gọi là xăng E5", ông Cường nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho biết, theo báo cáo của Tổng cục thu thập từ các Sở KHCN trên cả nước, tính đến thời điểm này, chưa có vụ việc nào hỏng hóc do sử dụng xăng E5./.