Đáp ứng yêu cầu phòng ngừa vi phạm pháp luật

11:37, 17/01/2018

Ngày 17-1, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2018. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến dự, chỉ đạo tại đầu cầu tổ chức tại T.P Hà Nội. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và cán bộ các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đầu cầu Thái Nguyên do đồng chí Nhữ Văn Tâm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Theo báo cáo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, năm 2017, hoạt động của toàn ngành Thanh tra đã có chuyển biến tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành đã chú trọng triển khai kế hoạch thanh tra theo định hướng đã được Chính phủ phê duyệt và sự chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước. Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý vi phạm gần 70 nghìn tỷ đồng, trên 17 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính trên 2 nghìn tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 114 vụ việc. Ngành đã phát huy vai trò tham mưu triển khai thực hiện tốt các giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC).

Cụ thể, trong năm 2017, ngành Thanh tra đã tổ chức tiếp 415.383 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 306.519 đơn thư; tham mưu giải quyết 25.519/30.324 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền; tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người; qua đó góp phần giải quyết nhiều vụ việc bức xúc và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tiếp tục tham mưu các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập; đã phát hiện được 72 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chia sẻ những khó khăn, vất vả và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của cán bộ toàn ngành Thanh tra. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một bộ phận cán bộ ngành Thanh tra còn biểu hiện chưa dám đương đầu đấu tranh chống tham nhũng; ngành Thanh tra còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc ban hành kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm; việc quản lý các đoàn thanh tra chưa chặt chẽ. Chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, việc xử lý vi phạm còn chưa kịp thời, nghiêm khắc, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Giải quyết một số vụ KN, TC của công dân của các bộ, ngành và phần lớn ở các địa phương còn để kéo dài, chưa dứt điểm; có vụ việc giải quyết chưa đúng, chưa trúng với bản chất, chưa thấu tình đạt lý. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc KN, TC còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra (dưới 85%). Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao; kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế. Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở cấp tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, diễn ra nhiều hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản… chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Trong khi đó, tổ chức, bộ máy ngành Thanh tra còn bất cập, chưa phát huy được vai trò trong quản lý Nhà nước về thanh tra, KN, TC và phòng, chống tham nhũng. Trình độ, chuyên môn và năng lực của một bộ phận cán bộ thanh tra còn hạn chế; đạo đức, tác phong, kỹ luật chưa tốt; có biểu hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ, có đơn thư KN, TC trong nội bộ nhưng giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của Thanh tra Chính phủ.

Năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị ngành Thanh tra cần thực hiện theo phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Thanh tra Chính phủ phải nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật được giao chủ trì soạn thảo; đồng thời, kịp thời kiến nghị sửa đổi các văn bản để khắc phục sơ hở bất cập trong công tác quản lý. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ phải thực hiện nghiêm phòng, chống tham nhũng trong ngành. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa; tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng. Đặc biệt ngành Thanh tra phải lưu ý việc xây dựng lực lượng thanh tra vì đây là cái gốc của mọi vấn đề. Theo đó, cán bộ làm công tác  thanh traphải thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc, ứng xử. Phó Thủ tướng Thường trực Chỉnh phủ tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp, sự nỗ lực, cố gắng, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt toàn thể cán bộ ngành Thanh tra tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và sẽ cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác năm 2018.

Nhân dịp này, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã tuyên dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn năm 2017.