Có lẽ chưa khi nào tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân được nhìn nhận thẳng thắn như ở thời điểm này. Nhưng bên cạnh hàng loạt quyết sách và động lực cổ vũ cho kinh tế tư nhân, đâu đó vẫn còn lại những mảng tối cần gỡ khỏi bức tranh chung.
Sau 30 năm đổi mới, không thể phủ nhận vai trò ngày càng lớn của kinh tế tư nhân, nhất là khi vị trí ấy hoàn toàn có thể “cân đo đong đếm” được. Theo Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân, rõ ràng kinh tế tư nhân đã chứng tỏ sức mạnh đáng kể của mình khi liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều năm, thường xuyên chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP.
Không chỉ thế, khu vực tư nhân còn thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Thế giới cũng biết đến nhiều hơn những tên tuổi doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Thế nhưng rất ít các doanh nghiệp (DN) tư nhân đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hay nắm giữ lợi thế công nghệ quan trọng. Quy mô của DN khu vực tư nhân vẫn chủ yếu dưới dạng hộ kinh doanh hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Năm 2017, song song với khoảng 126 nghìn DN được thành lập mới thì vẫn có rất nhiều DN ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Dù đã ít đi so với năm 2016 nhưng có thể nhận định phần đông trong số ấy là DN tư nhân.
Bên cạnh những nguyên nhân khác, thì những khó khăn với khối kinh tế tư nhân hiện nay còn được giải thích là do sự đối xử chưa được thực sự bình đẳng, “nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường”, như Nghị quyết của Trung ương đã nêu.
Trong đó, từ những hiện tượng “mắt thấy tai nghe” rồi đến các vụ án kinh tế, các quyết định cách chức, kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp nhà nước, bức tranh nhức nhối về thứ nguồn lực mang tên là “thân hữu” chưa bao giờ lại trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội như hiện nay.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phải phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm, không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực. Đây là thông điệp mạnh mẽ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi tới đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phân tích về vấn đề “quan hệ thân hữu”, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng chuyện tiếp cận đất đai là điểm nóng lớn. “Nếu mọi người đều có cơ hội tiếp cận thông tin giống nhau thì không có chỗ cho sự bất công, hay dung dưỡng sự thiếu công bằng cho môi trường kinh doanh”, bà Kim Hạnh nói.
Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng quan hệ thân hữu với DN tư nhân tuy có thực nhưng chỉ là thiểu số, không phải là đại diện cho phần đông DN tư nhân Việt Nam hiện nay. “Đây chỉ là những DN lớn có vị thế để mặc cả với các cơ quan hoặc quan chức biến chất nhằm có cơ hội nhiều hơn khi tiếp cận thị trường công hoặc những nguồn lực quan trọng như đất đai hay tín dụng”.
Lấy lại công bằng
Không chỉ gặp hạn chế trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, tín dụng, giờ đây, những người đại diện cho DN tư nhân dường như còn quan tâm nhiều hơn đến cái gọi là nguồn lực “thân hữu”. Bởi từ đây đã sinh ra bất công trong tiếp cận thị trường giữa các DN tư nhân với nhau.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TPHCM nhận xét dù quy định chỉ định thầu được ràng buộc rất nhiều điều kiện đi kèm nhưng nhiều khi đã bị lợi dụng lèo lái. “Nghĩa là tính minh bạch trong môi trường kinh doanh bị sụt giảm. Xảy ra mất công bằng giữa các DN tư nhân với nhau”.
Vậy làm sao để lấy lại môi trường công bằng cho DN tư nhân khi những người có liên quan đến các bất thường về mối quan hệ “thân hữu” luôn trưng đủ lý lẽ đã làm “đúng quy trình”?
Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “thân hữu” là quan hệ rất phức tạp và muốn xử lý thì quan trọng nhất trong đó là sự minh bạch và làm rõ trách nhiệm giải trình. “Một dự án được giao cho đất vàng để thực hiện thì phải có ai đó chịu trách nhiệm giải trình các nội dung như: Ai là người có quyền quyết định giao dự án cho DN này mà không phải là DN khác? Đề án này có gì vượt trội các đề án khác? Ai sẽ giám sát DN thực hiện? Lợi ích DN mang lại cho xã hội là gì? …”, bà Chi Lan nêu ví dụ.
Vậy các chính quyền địa phương có thể làm gì để hỗ trợ DN nói chung? Trước thềm Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2017, TS Vũ Thành Tự Anh từ Đại học Fulbright Việt Nam, đã tin rằng chính quyền địa phương có thể làm được nhiều việc hết sức quan trọng. Trong đó, yếu tố tiên quyết là tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm chi phí. “Địa phương làm được như thế nghĩa là đã dọn được sân cho doanh nghiệp thi đấu, để DN đi bơi không phải đeo thêm một loạt các chi phí, như đeo tạ thi bơi với đối thủ vậy”.
Thực vậy, bên cạnh ước mơ về sự bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, một môi trường kinh doanh thông thoáng quả là kỳ vọng lớn của những người làm DN tư nhân, để không còn những hiện tượng “ức hiếp” DN, không còn những than vãn về sự nhũng nhiễu của người trực tiếp thực thi chính sách, không còn những đau đáu về hiện tượng startups bỏ xứ mà đi.