Từ ngày 1-1-2019, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ thanh toán đầy đủ các dịch vụ điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc kháng vi-rút ARV. Quy định này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh HIV/AIDS được chăm sóc, điều trị.
Theo Bộ Y tế, đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV và có hơn 130.000 người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV). Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV đã chứng minh tính hiệu quả, không chỉ giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV mà còn giảm lây truyền sang người thân, cộng đồng. Với những lợi ích đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương triển khai chiến lược điều trị ARV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 cũng như không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng của người bệnh. Tức là điều trị ARV ngay khi chẩn đoán một người nhiễm HIV. Phần lớn thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV tại Việt Nam thời gian qua là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, các nhà tài trợ cũng thông báo lộ trình cắt giảm viện trợ thuốc ARV và tiến tới kết thúc viện trợ. Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, việc điều trị cho người nhiễm HIV cần liên tục, suốt đời. Do vậy, ngày 15-11-2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QÐ-TTg quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV.
TS Hoàng Ðình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, đây là quyết định quan trọng để Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xây dựng Thông tư số 28/BYT-TT quy định quản lý thuốc ARV từ Quỹ BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Quyết định nêu trên giúp UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị các điều kiện mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Theo Quyết định 1125/QÐ-TTg ngày 31-7-2017, thời điểm thanh toán thuốc ARV từ quỹ BHYT từ năm 2019. Như vậy các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố cần tích cực chuẩn bị điều kiện để thực hiện quyết định này. Việc kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đang được tích cực triển khai. Theo báo cáo từ các địa phương, cả nước hiện có 403 cơ sở điều trị HIV/AIDS (không kể cơ sở cấp phát thuốc ARV). Ðến hết quý III-2017 có 296 cơ sở điều trị HIV (chiếm 73%) đã ký được hợp đồng với cơ quan BHXH để thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn mua sắm, thanh toán ARV. Hiện nay, Bộ Y tế đang yêu cầu các địa phương tổng hợp nhu cầu thuốc ARV từ Quỹ BHYT; chuẩn bị các hồ sơ cần thiết cho việc đấu thầu, mua sắm thuốc ARV từ Quỹ BHYT. Như vậy, theo kế hoạch quý IV-2018 phải có thuốc ARV từ nguồn BHYT chuyển về các cơ sở điều trị để có thể sẵn sàng chi trả cho người bệnh HIV có thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1-1-2019.
Sau khi có Quyết định 2188/QÐ-TTg ngày 15-11-2016 quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV, các địa phương đã tích cực vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT bằng tiền cá nhân nếu có điều kiện, các tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV nếu khó khăn hoặc có nhu cầu. Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS cũng dành một khoản kinh phí hỗ trợ các địa phương khó khăn để mua thẻ BHYT cho người bệnh. Với hàng loạt giải pháp, tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT tăng lên, từ 64% (tháng 2-2017) lên 76% (tháng 6-2017) và 82% (tháng 9-2017). Có sáu tỉnh đạt mục tiêu toàn bộ người nhiễm HIV có thẻ BHYT (Bạc Liêu, Bình Ðịnh, Cà Mau, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn) và có 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV hơn 90%.
Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Ðình Cảnh cho biết, để đạt mục tiêu toàn bộ người nhiễm HIV tham gia BHYT, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều người bệnh gặp khó khăn trong tiếp cận điều trị HIV/AIDS qua BHYT. Việc kiện toàn các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS để có đủ điều kiện ký hợp đồng và thanh toán BHYT cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng, cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề riêng về điều trị HIV. Một số cơ sở điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện hoạt động theo dự án, khi chuyển sang khám, chữa bệnh BHYT phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám, chữa bệnh HIV/AIDS với cơ quan BHXH mới đủ điều kiện thanh toán BHYT… Ngoài ra, độ bao phủ BHYT cho đối tượng này cũng đang gặp nhiều khó khăn do người bệnh có tâm lý sợ lộ thông tin cá nhân, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong quá trình cung cấp thông tin tham gia BHYT. Do đó, một số người bệnh tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám, chữa bệnh hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.
Các khó khăn trong việc tham gia BHYT của người bệnh HIV/AIDS đã và đang được tháo gỡ. Hy vọng khi có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, người nhiễm HIV và sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng thì mục tiêu toàn bộ người nhiễm HIV tham gia BHYT sẽ sớm trở thành hiện thực.